Sản xuất xanh

Xu hướng chuyển dịch xanh trong ngành Vật liệu xây dựng

25/07/2023 - 08:04 SA

Song song với sự phát triển của ngành Vật liệu xây dựng những năm qua là bài toán về việc hạn chế phát thải ra môi trường trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Đây là sứ mệnh của nhiều doanh nghiệp đang cam kết và hướng tới trong bối cảnh mà Thế giới ngày càng chú trọng tới phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia tại Hội thảo Net Zero: Chuyển dịch xanh - Cơ hội người dẫn đầu, lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 là 37 tỷ tấn - mức cao nhất kể từ năm 1900. Việt Nam là một trong 20 nước có lượng phát thải nhiều nhất thế giới. Nếu không hành động thì năng lượng ở Việt Nam sẽ tạo mức phát thải 75% vào năm 2050. Vì thế, Net Zero không chỉ là "cuộc chơi xa xỉ của người giàu" mà là sứ mệnh nghiêm túc mà bất kỳ công dân và doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó sự tham gia của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng với mong muốn thúc đẩy các sản phẩm xanh, ứng dụng phương pháp sản xuất thông minh, tiết kiệm năng lượng. Là doanh nghiệp tiên phong phát triển vật liệu xây dựng xanh, Công ty Kính nổi Viglacera đã ứng dụng và triển khai nhiều giải pháp thân thiện với môi trường.


Bên lề Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh, ông Trần Quốc Khánh, Phụ trách thị trường miền Bắc, Công ty Kính nổi Viglacera đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa về cách làm cụ thể tại doanh nghiệp để giảm phát thải hướng tới phát triển bền vững.

Trong quá trình sản xuất, Viglacera đã luôn luôn tiến tới sản xuất xanh. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp đã sử dụng 10 - 15% kính tái chế, thu hồi trong quá trình sử dụng ngoài thị trường. Trong sản xuất, Viglacera sử dụng 15 - 20% kính vụn phế phẩm. Như vậy về nguyên liệu đầu vào, Viglacera cũng đã hướng tới "xanh".

Trong quá trình sản xuất, Công ty Kính nổi Viglacera cũng đã nghiên cứu và chuyển đổi nguồn nhiên liệu. Trước đây, doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu dầu FO để nấu chảy thủy tinh, nhưng giờ đây đã chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng nhiên liệu khí CNG. Đây là dòng nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn rất nhiều so với các loại nhiên liệu khác và nó giảm đến 20% phát thải khí hiệu ứng nhà kính.

Viglacera cũng đã sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời áp mái để góp phần giảm tiêu thụ điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Đặc biệt, quan trọng nhất là doanh nghiệp đã sản xuất ra các sản phẩm vật liệu xanh, thân thiện môi trường. Từ năm 2016, Công ty Kính nổi Viglacera đã đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng với công suất 2,3 triệu m²/năm với hai dòng sản phẩm chính là kính Low-E và kính Solar Control. Đây là những sản phẩm kính cách nhiệt, cản nhiệt cao cấp, áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Với khả năng kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà, qua đó góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí lên đến 69%. Ngoài ra kính còn có khả năng ngăn đến 99% tia UV, tạo ra không gian sống thoải mái và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Hiện nay Viglacera cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao đối với phôi kính nguyên liệu để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và kính tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là dây chuyền kính nổi siêu trắng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ.

VLXD.org (TH/ VTV)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.