Sản xuất xanh

Nan giải bài toán xóa bỏ lò gạch thủ công

23/11/2013 - 04:08 CH

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công và đến năm 2015 phải chấm dứt hoạt động của lò gạch liên tục kiểu đứng trên cả nước. Tuy nhiên, ở tỉnh Khánh Hòa, việc xóa bỏ và chuyển đổi các lò gạch thủ công đang rơi vào bế tắc. Cả chính quyền và người dân đều chưa thể đưa ra một biện pháp nào khả thi để tìm hướng chuyển đổi sản xuất.
Ô nhiễm và mất đất

Khánh Hòa là một trong những địa phương có khá nhiều lò gạch thủ công hoạt động lâu năm. Những lò gạch này tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa mà tâm điểm là các xã Ninh Xuân, Ninh Phụng… Với gần 100 lò gạch hoạt động trên địa bàn từ trước đến nay, đã dẫn đến tình trạng khá nhiều diện tích đất nông nghiệp bị mất do hệ quả của việc khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch. Thực tế cho thấy, tại những nơi đã bị khai thác, một phần lớn đất sản xuất nông nghiệp bị đào bới làm xáo trộn hiện trạng.

Dọc theo Quốc lộ 26, nằm xen lẫn với những ruộng lúa của người dân là rất nhiều ao hồ lớn nhỏ. Đây chính là hậu quả của việc khai thác đất sét một cách quá mức. Có khu vực bị khai thác sâu đến vài mét nên sau khi khai thác xong đều bỏ hoang vì không thể trồng hoa màu. Hàng năm, các lò gạch ở Ninh Hòa cho ra lò hơn trăm triệu viên gạch, tương ứng với đó là một lượng đất khổng lồ bị khai thác, trong đó, không ít đất được khai thác từ những diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán, để đáp ứng đủ nhu cầu sét cho hơn 100 lò gạch trên đại bàn thị xã Ninh Hòa hoạt động, mỗi năm có đến khoảng 75ha đất bị khai thác.

Không chỉ “nuốt” đất nông nghiệp, các lò gạch này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cảnh quang nơi đây. Tại xã Ninh Xuân hiện vẫn còn khá nhiều lò gạch đang hoạt động ngay sát Quốc lộ 26. Hầu hết các lò gạch thủ công này nằm đan xen với khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm không khí đã và đang là vấn đề vô cùng nhức nhối. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ninh Xuân hiện đang có trên dưới 60 cơ sở sản xuất gạch thủ công còn hoạt động. Những lò gạch này đã tồn tại gần 30 năm nay. Tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, có những lò gạch ở cạnh trường học đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Hơn thế, các lò gạch ở đây còn làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của địa phương.

Chị Trần Thị Bích Vân, một người dân sống cạnh một lò gạch thủ công tại xã Ninh Phụng nói: “Chúng tôi phải chịu cảnh khói bụi của các lò gạch này từ hàng chục năm nay. Không những khói bụi do đốt gạch mà còn bụi do xe chở đất gây ra. Trong xã này, còn nhiều lò gạch nằm ngay trong khu dân cư nên mỗi khi đốt gạch là người dân chúng tôi lại lãnh đủ”.

Bài toán khó

Trao đổi với PV, ông Trần Lân – Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay việc quản lý khai thác đất sét làm gạch đã được UBND thị xã quản lý khá tốt. Chính quyền đã cấp phép khai thác đất sét cho một số cơ sở sản xuất gạch để khai thác đất tận thu sau đó phải bồi hoàn lại lớp đất màu để sản xuất nông nghiệp. Còn việc giải quyết vấn đề ô nhiễm do các lò gạch thủ công gây ra ở các xã trên địa bàn thì vẫn chưa thể giải quyết được.

 
Việc xóa bỏ hoặc chuyển đổi các lò gạch thủ công ở Ninh Hòa, Khánh Hòa hiện chưa có lời giải.

Trước đây, chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng như UBND thị xã là di dời các lò gạch trên địa bàn Ninh Hòa tập trung vào Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Tuy nhiên, việc di dời đó cũng chỉ áp dụng cho những cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất gạch theo quy định của Nhà nước. Những lò gạch khác, nếu không chuyển đổi được để đáp ứng yêu cầu về công nghệ thì buộc phải chấm dứt sản xuất. Cho đến nay, bài toán di dời các lò gạch trên địa bàn thị xã Ninh Hòa dường như đã đi vào bế tắc, bởi UBND tỉnh Khánh Hòa đã chính thức có thông báo ngừng xây dựng Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Phương án cuối cùng mà các lò gạch thủ công này lựa chọn nếu muốn tiếp tục hoạt động là buộc phải chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ tuy-nen.

Cũng theo ông Trần Lân, trên địa bàn thị xã hiện có 3 nhà máy sản xuất gạch ngói theo công nghệ tuy-nen, còn lại gần 100 cơ sở khác đều sản xuất thủ công. Đến nay, có 10 cơ sở trên địa bàn đã chuyển từ lò đứng sang công nghệ hoffman để giảm thiểu ô nhiễm. Chiếu theo quy định của Bộ Công thương thì hơn 80 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công trên địa bàn phải chấm dứt hoạt động.

Với điều kiện hiện nay, chỉ có khoảng 1-2% các cơ sở có điều kiện và năng lực để chuyển sang sản xuất gạch bằng công nghệ tuy-nen. Đứng trước tình thế đó, thị xã đã có báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh Khánh Hòa cho tồn tại loại lò sản xuất theo công nghệ hoffman nhưng UBND tỉnh không đồng ý.

Ông Lân cho rằng, bài toán chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công còn rất nhiều gian nan. Nhà nước buộc các cơ sở sản xuất này phải đầu tư dây chuyền mới để sản xuất gạch tuy- nen trong khi người dân quen sản xuất nhỏ nên không đủ năng lực chuyển đổi. Nếu xóa bỏ các lò gạch thủ công thì rất nhiều lao động sẽ mất việc làm và không có gì để đảm bảo họ sẽ không “sản xuất chui” bằng mọi cách. Nhà nước nên có những tiêu chuẩn nhất định để quản lý về chất lượng cũng như bảo vệ môi trường cho việc sản xuất gạch ngói thay vì quy định buộc phải sản xuất theo công nghệ tuy-nen như hiện nay.
 
Theo BVPL (QT)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.