Kinh doanh - Đầu tư

Giá thép tăng giúp các doanh nghiệp cải thiện tỷ suất lợi nhuận

15/01/2021 - 11:22 SA

Do tác động của dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp thép xây dựng ghi nhận sản lượng tiêu thụ năm 2020 giảm so với năm trước, tuy nhiên một số ít vẫn đạt được tăng trưởng. Bên cạnh đó, giá thép xây dựng đang tăng cao những tháng cuối năm có thể giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Hòa Phát, VNSteel gia tăng sản lượng và thị phần

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2020, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội sản xuất 10,11 triệu tấn và tiêu thụ 10,47 triệu tấn thép xây dựng, giảm tương ứng 4,2% và 1,2% so với năm 2019.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục dẫn đầu thị trường với sản lượng tiêu thụ đạt kỷ lục 3,4 triệu tấn, chiếm 32,5% thị phần. Năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đạt 26,2% thị phần, sản lượng gần 2,78 triệu tấn.

Hòa Phát cũng là một trong số ít doanh nghiệp tăng trưởng sản lượng trong năm 2020 nhiều khó khăn. Những cái tên khác khi nhận sản lượng đi lên là Vinausteel (+8,5%), Thép Việt Nhật (+4,1%), Natsteelvina (+3,3%) và VNSteel (+0,26%).

Hàng loạt doanh nghiệp báo cáo tiêu thụ sụt giảm, nặng nhất là Posco (-46,7%), SSE (-37,4%), …. Formosa Hà Tĩnh giảm 3,2%, Pomina (Mã: POM) cũng sụt 17,7%.


Giả sử mức tiêu thụ của Hòa Phát không đổi, sản lượng bán hàng toàn ngành năm 2020 sẽ giảm khoảng 7% so với năm 2019.

Xét về thị phần, Hòa Phát và VNSteel là hai tay chơi lớn duy nhất ghi nhận bước tiến so với năm trước. Vina Kyoei, Pomina, Formosa Hà Tĩnh, Thép Việt Đức, Posco đều chứng kiến thị phần tụt lùi.


Tính riêng trong tháng 12/2020, sản xuất thép xây dựng toàn ngành đạt 881.142 tấn, tăng 0,62% so với tháng 11 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ 2019. 

Sản lượng bán hàng đạt 997.526 tấn, giảm 10,54% so với tháng trước nhưng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

VSA đánh giá, thị trường thép xây dựng nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn trong quý IV do nhiều công trình phải gấp rút hoàn thành tiến độ. Sản xuất thép xây dựng quý IV tăng lần lượt so với quý III, II và I là 8%, 3% và 6% nhưng giảm so với cùng kỳ 2019 là 2,3%.

Thị trường miền Bắc năm 2020 tiêu thụ 4,78 triệu tấn thép xây dựng, giảm 6,1% so với năm trước, miền Nam tăng 2% lên 3,4 triệu tấn, miền Trung tăng 3,1% lên 818.000 tấn. Thị trường xuất khẩu vượt trội với mức tăng 6,9%, đạt 1,47 triệu tấn.

Theo Chứng khoán SSI, sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ mạnh nhờ: (1) việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, để bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại; (2) ngành ô tô phục hồi, do dịch COVID-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân; và (3) mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm.

Giá thép xây dựng lên cao

Trong tháng 12/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu đã tác động tới thị trường Việt Nam.

Giá bán thép trong nước cuối tháng 12/2020 ở mức bình quân khoảng 14.950 - 15.100 đồng/kg, tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Mới đây nhất, hôm 12/1, công ty thép Hòa Phát Hưng Yên đã thông báo nâng giá thép cây thêm 300.000 đồng/tấn và thép cuộn xây dựng thêm 500.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho biết giá bán thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng bình quân 26,7% trong giai đoạn từ 1/11 đến 22/12/2020. 

Cụ thể, trong tháng 11/2020, giá thép xây dựng tăng 4,4% đối với thép cuộn và 5% đối với thép thanh sau 4 đợt tăng giá riêng biệt. Trong 22 ngày đầu tháng 12, giá thép cuộn và thép thanh lần lượt tăng 19,4% và 21,6%. 

Theo VSA, giá bán thép được điều chỉnh tăng liên tục để bù một phần mức tăng giá của nguyên vật liệu. Giá thép tăng cũng dẫn đến hiện tượng đầu cơ của các đơn vị kinh doanh thương mại.

Có nhiều nhân tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước. Trong tháng 12/2020, giá phế nội địa tiếp tục tăng 600 - 700 đồng/kg, lên khoảng 8.450 - 8.600 đồng/kg. Giá phế nhập khẩu tăng 135 USD/tấn lên mức 475 USD/tấn cuối tháng 12/2020.

Giá phôi nhập khẩu cũng tăng 89 USD/tấn, lên khoảng 586 - 588 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.800 - 2.000 đồng/kg, lên khoảng 13.400 - 13.600 đồng/kg.


Giá bán thép xây dựng tăng cao trong những tháng cuối năm 2020. (Nguồn: VSA tổng hợp từ các doanh nghiệp thành viên).

Chứng khoán HSC đánh giá tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng ngay trong quý IV do giá nguyên liệu đầu vào được sử dụng giai đoạn này vẫn thấp. Đáng chú ý, giá than cốc ở khoảng 100 - 105 USD/tấn, giảm 30% so với đầu năm 2020 do Trung Quốc không nhập than của Australia vì căng thẳng thương mại. 

Trong khi đó, than cốc chiếm 35 - 40% tổng chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành thép. Giá bán bình quân tăng cùng với giá than cốc giảm đã bù đắp đáng kể việc giá quặng sắt và sắt phế liệu tăng. Do đó, HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng đáng kể trong quý IV/2020.  

Lò cao thứ 3 tại Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) hiện đã hoạt động hết công suất sau 4 tháng vận hành. 

Theo HSC, Hòa Phát đã có thể ký hợp đồng bán hàng cho đợt giao tháng 2 - 3/2021 với mức giá thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 16 - 16,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT), cao hơn đáng kể so với mức 12,3 triệu đồng/tấn khi giao hàng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020.

VLXD.org (TH/ KTTD)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.