Kinh doanh - Đầu tư

VLXD Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu

14/12/2020 - 12:53 CH

Hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 Thế giới về sản lượng xi măng (chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga) và đứng thứ 6 Thế giới về sản lượng gạch gốm ốp lát. Công nghệ sản xuất xi măng, gạch men, sứ vệ sinh, kính xây dựng của Việt Nam là công nghệ tiên tiến, hiện đại so với các nước trong khu vực và trên Thế giới. Phần lớn các thiết bị công nghệ được nhập khẩu từ Châu Âu. Tiêu chuẩn sản phẩm ngang bằng với các nước phát triển (Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu).

Năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đối với sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm ra thị trường Thế giới.


Theo ghi nhận năm 2019, sản lượng sản xuất xi măng đạt 98 triệu tấn/năm với 82 dây chuyền. Từ năm 2015 không còn tồn tại nhà máy xi măng lò đứng nào hoạt động. Hiện tại, toàn bộ 84 dây chuyền sản xuất xi măng tại Việt Nam được sản xuất theo phương pháp khô. Sử dụng lò quay và thiết bị trao đổi nhiệt cyclone. Hiện có 14/53 dây chuyền có công suất trên 2.500 t/ngày đã lắp đặt trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa khí thải. Tình hình tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 64 triệu tấn/năm, xuất khẩu đạt 34 triệu tấn/năm.

Về gạch gốm ốp lát, tổng công suất gạch gốm ốp lát (2019): 610 triệu m2/ năm, cụ thể:

- Gạch ceramic: 440 triệu m2/năm (4,5m2/người, năm)

- Gạch granite: 140 triệu m2/năm(1,5m2/người, năm)

- Gạch cotto: 24 triệu m2/năm (0,35m2/người, năm)

Về sứ vệ sinh, sản lượng tính đến năm 2019khoảng 27 triệu sản phẩm/năm với 26 doanh nghiệp, 65 dây chuyền. Hầu hết các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh ở Việt Nam đều có công nghệ hiện đại, thiết bị ở mức tiên tiến so với khu vực và thế giới. Một số cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư vào công đoạn tạo hình bằng công nghệ khuôn áp lực cao, phun men bằng robot. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở đầu tư sớm, có quy mô nhỏ, hệ thống thiết bị sản xuất không được đầu tư đồng bộ, đa số các công đoạn còn phải sử dụng lao động trực tiếp.

Về kính xây dựng, tổng sản lượng kính: 308 triệu m2 QTC/năm, cụ thể:

- Kính nổi : 235 triệu m2 QTC/năm

- Kính kéo ngang: 48 triệu m2 QTC/năm

- Kính siêu trắng: 25 triệu m2 QTC/năm

Hiện nay, công nghệ sản xuất kính đã tiệm cận với công nghệ sản xuất kính hiện đại trên Thế giới. Hai công nghệ chính đang được áp dụng là công nghệ kéo ngang và công nghệ kính nổi (công nghệ sản xuất kính nổi là loại công nghệ hiện đại nhất để sản xuất kính trên Thế giới hiện nay).
 

Đối với vật liệu xây được chia làm 2 nhóm: vật liệu xây nung (gạch đất sét nung) và vật liệu xây không nung. 

Hiện cả nước có khoảng gần 2.000 cơ sở sản xuất vật liệu xây nung. Tổng công suất thiết kế khoảng 25 tỷ viên/năm gồm 650 lò tuy nen; 8 lò tuy nen xoay; còn lại là lò Hoffman, lò đứng liên tục và lò thủ công.

Với 1.600 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, tổng công suất thiết kế (2019): khoảng 10,2 tỷ viên tiêu chuẩn/ năm (gần 30% tổng CSTK vật liệu xây). Sản lượng sản xuất/tiêu thụ thực tế (2019): 4,83 tỷ viên QTC gạch không nung; 4 triệu m2 tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn. Chủng loại vật liệu xây không nung phổ biến hiện nay gồm gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp, tấm bê tông khí chưng áp; tấm tường bê tông rỗng đúc sẵn.

Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 dựa trên 6 quan điểm nhất quán:

1. Phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.

4. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

6. Phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Mục tiêu chung của Chiến lược:  

Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ VLXD - Bộ Xây dựng
VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.