Kinh doanh - Đầu tư

Năm 2013: Ngành xây dựng không có nhiều khởi sắc

28/12/2013 - 11:58 SA

Năm 2013 là năm chứng kiến rất nhiều sự biến động của ngành xây dựng, thị trường bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc dù đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Tết năm nay là một cái Tết buồn với nhiều thành viên của thị trường bất động sản. Dù Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm “phá băng” thị trường bằng nhiều chính sách song để chính sách ngấm dần, đi vào thực tiễn vẫn cần thời gian và sự nỗ lực.

Tái cơ cấu chậm chạp

Trong bối cảnh thị trường xây dựng u ám, Bộ Xây dựng đã phê duyệt 14 đề án tái cơ cấu của các công ty trực thuộc. Dù các doanh nghiệp xây dựng cũng xác định việc tái cơ cấu là cần thiết nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, nhưng các đơn vị đều bị chậm tiến độ tái cơ cấu. Lo ngại mất phần vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên nên các tổng công ty không dám đẩy mạnh việc tái cơ cấu. Biện pháp mà các đơn vị này triển khai là sắp xếp lại, tinh giản đội ngũ và duy trì sản xuất ở mức cầm chừng.



Trong một lần trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân, chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết: Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành xây dựng chưa thật sự chuyển biến rõ rệt, thậm chí rất chậm. Cũng còn khá may mắn là hai tập đoàn xây dựng thí điểm đã giải tán, vừa tạo tâm lý thoải mái, chủ động cho các tổng công ty khi về lại mô hình cũ, vừa giảm bớt sự cồng kềnh và chi phí trong mô hình tổ chức quản lý. Nếu vẫn giữ như mô hình tập đoàn, khó khăn sẽ còn lớn hơn nhiều.

Các doanh nghiệp xây dựng đang mong đợi những chính sách tháo gỡ khó khăn mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ, đặc biệt là cơ chế về bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại các đơn vị khi tham gia cổ phần hóa, tái cơ cấu và bảo đảm nguồn lực tài chính thuận lợi để giúp các doanh nghiệp có thể chuyển nguồn nợ đang ở mức ngắn hạn, lãi suất cao sang dài hạn, lãi suất thấp. Đồng thời có chính sách về thu hồi công nợ để bảo đảm lành mạnh nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp vì hiện nay tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là phổ biến nhất.

Lấy ngắn nuôi dài

Tình hình kinh tế khó khăn kéo theo bất động sản đi xuống, nguồn đầu tư cũng không còn nên các dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm ngừng. Không đủ sức để tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản một thời đình đám đã trở thành quá khứ và buộc phải phá sản.



Chỉ có các công ty mạnh về tài chính mới có thể trụ lại bằng cách… tính đến phương án cắt giảm ngân sách.

Lý do giúp những công ty của ngành làm ăn tốt trong điều kiện khó khăn là do họ nhanh nhạy biết chuyển đổi thị trường và lĩnh vực. Nếu như những năm trước họ tham gia vào các dự án lớn, các công trình nhà nước thì nay họ chuyển sang làm những dự án nhỏ với chính sách "lấy ngắn nuôi dài" để đảm bảo công việc ổn định cho nhân viên gắn bó và cống hiến lâu năm với công ty.

“Phá băng” thị trường bất động sản

Sau gần 1 năm nỗ lực triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Xây dựng cho biết, sau những bước khởi động chậm chạp hồi đầu năm 2013, tới nay, thị trường bất động sản đã có bước chuyển biến tích cực khi nhiều dự án được khởi động trở lại và nhu cầu tăng dần.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, bước chuyển đáng ghi nhận của thị trường bất động sản trong năm 2013 là sự thay đổi trong tư duy của các chủ đầu tư dự án về phân khúc nhà ở xã hội. Năm nay, các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ hơn, giá bán thấp hơn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, chứ không phải rót tiền vào những căn hộ cao cấp như trước đây.

Tháo gỡ khó khăn

Sáng 24/12, trong phần báo cáo trước Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm 2014, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần tiếp tục gắn với chiến lược nhà ở và phát triển đô thị. Các địa phương cần tập trung phát triển đô thị có quy hoạch và kế hoạch với từng khu một, với từng giai đoạn; khắc phục dự án treo, quy hoạch treo. Các địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo phát triển đô thị.


Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Theo báo cáo của 17 doanh nghiệp và 5 sàn giao dịch bất động sản cho thấy, tính đến hết tháng 11/2013, tại Hà Nội đã có trên 4.000 giao dịch thành công, trong hai tháng 10 và 11 có 1.400 giao dịch thành công. Dự báo quý 4/2013 sẽ có trên 2.000 giao dịch, trong khi quý 1/2013 chỉ có trên 556 giao dịch thành công, quý 2 có 774 giao dịch.

Các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có vị trí phù hợp tại Hà Nội và Tp.HCM đang thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân. Tại TP HCM, giao dịch bất động sản thành công trong quý 3 - 4/2013 đã gấp 4 lần so với quý 1 - 2. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung.

Hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ, giảm hơn 24% so với cuối quý 1. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20%, TP. HCM giảm trên 30%.

Nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở, ông Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án, chuyển đổi công năng nhà ở trong thời gian tới.

Trước thềm năm mới, chúng ta lại cùng chờ đợi và hy vọng vào sự khởi sắc của ngành xây dựng trong năm 2014.

CFC - ĐSPL

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.