Tin tức

Kiến trúc xanh cho mỗi vùng khí hậu Việt Nam

31/05/2014 - 02:47 CH

"Giải pháp cho công trình xanh ứng với các vùng khí hậu của Việt Nam” là chủ đề chính của hội thảo do Hội đồng công trình xanh Việt Nam phối hợp với Đại học Xây dựng tổ chức vào ngày 29/5. 

Toàn cảnh hội thảo

Hiện nay, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự ô nhiễm môi trường sống, khí hậu. Phát triển xây dựng xanh là một bộ phận gắn liền với việc phát triển môi trường đô thị và nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững của đất nước. Và đang là xu hướng chung của toàn thế giới.

Trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng thì việc đảm bảo thiết kế của công trình thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, là điều quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, giảm tác động xấu đến môi trường.

Những khái niệm về công trình xanh được khởi nguồn từ các nguyên tắc thiết kế kiến trúc cơ bản: chọn hướng nhà sao cho tối ưu hóa hay hạn chế ánh nắng mặt trời, thông gió tự nhiên, sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra rất nhiều những giải pháp xanh hiện nay đang phổ biến trên thế giới như: tận dụng lan chắn nắng, mái hai lớp để che nắng và thông gió, phân bố cửa sổ hợp lý, tăng diện tích thông tần, giếng trời, sử dụng vật liệu cách nhiệt tốt, thiết kế hướng nhà phù hợp, tận dụng vật liệu địa phương như tường tre, mái tre…


Các chuyên gia đầu ngành trong nước và CHLB Đức

Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Nguyễn Ngọc Anh cho hay: Phần đông chỉ hiểu công trình xanh theo nghĩa đơn giản đó là những công trình đảm bảo tính xanh, nhìn thấy được màu xanh là trồng cây xanh, lá xanh, mà không hiểu được công trình xanh bao hàm cả yếu tố bền vững, sự tồn tại của con người với công trình.

“Một công trình được coi là “xanh” khi nó đạt được hiệu quả trong sử dụng năng lượng, vật liệu, được thiết kế có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả”, ông Sebastian Wallenwien kiến trúc sư của tổ chức Fairventures Worldwide đưa ra nhận định.

Tại buổi hội thảo, các Giáo sư từ trường Đại học ứng dụng Stuttgart và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công trình bền vững CHLB Đức cũng đưa ra nhiều nhận xét, phân tích. Ngoài ra còn có cả sự tư vấn chuyên môn của Tập đoàn Xella Baustoffe một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới.

Hiện nay, mục tiêu phát triển công trình xanh ở nước ta đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ khoảng 30% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và khoảng 10% số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân. Đến năm 2030, số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tư nhân phải được tăng lên gấp đôi.

QN - Petrotimes

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.