Văn bản - Chính sách

Quản lý và khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng: Đưa vào khuôn khổ!

11/09/2012 - 08:47 SA

Cuối năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các cuộc thanh kiểm tra của các đoàn liên ngành TN&MT, Công Thương, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội…, của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, của các Sở TN&MT đã rà soát hoạt động khoáng sản ở toàn bộ các tỉnh, thành có hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng. Một bức tranh toàn cảnh khá nhiều vấn đề nổi cộm cùng nhiều kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng vào khuôn khổ.

Bài 1:  Thấy gì  qua tổng thanh kiểm tra?

 Theo báo cáo tổng hợp về các đợt thanh kiểm tra, khá nhiều văn bản pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản VLXD được ban hành, kiểm tra cũng không ít. Từ đó phát hiện khá nhiều sai phạm.

 Kiểm tra nhiều, vi phạm nhiều

Từ tháng 9 đến tháng 11/2011 Bộ TN&MT đã chủ trì phối hợp với các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội… UBND các tỉnh, thành phố liên quan thành lập 4 đoàn trực tiếp kiểm tra tại 17 tỉnh, thành phố. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chủ trì kiểm tra tại 13 tỉnh. Với 29 tỉnh, thành phố còn lại do Đoàn kiểm tra Sở TN&MT phối hợp với các Sở có liên quan thực hiện.

Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật do các cơ quan có thẩm quyển của Trung ương ban hành, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản quản lý về KS trên địa bàn. Trong 5 năm (2007-2011) đã có 226 văn bản quản lý về KS được 56/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định. Đến tháng 7/2011, 54/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt 102 quy hoạch (QH) đối với các lọai khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, đạt 85,71%; 10 tỉnh, thành phố đã lập xong, 3 tỉnh chưa lập QH là Cần Thơ, Bạc Liêu , Hậu Giang. Công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm HĐKS đã được triển khai nhưng tiến độ chậm (mới đạt 42,27%).

 Đến 1/7/2011, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 474 Giấy phép (GP) thăm dò KS làm VLXD, 4201 GP khai thác KS các loại, trong đó có 3436 GP khai thác KS làm VLXD. Công tác rà soát GP đã cấp để thu hồi theo Chỉ thị 26/2008/CT-TTg đã có 28 tỉnh,  thành phố thực hiện và đã thu hồi 223 GP cấp chưa phù hợp.

 Trong 3 năm (2009-2011), các tỉnh, thành phố cả nước đã thực hiện hàng trăm đợt thanh tra HĐKS của hàng ngàn tổ chức, cá nhân HĐKS; đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về KS, xử phạt gần 20 tỉ đồng. Công tác giải tỏa và xử phạt các tổ chức, cá nhân khai thác KS trái phép được thực hiện khá quyết liệt; 17/63 tỉnh, thành phố đã xử phạt với các trường hợp vi phạm 17 tỉ đồng.

Kết quả kiểm tra của các Đoàn kiểm tra liên Bộ, các đoàn do Tổng cục ĐC & KS chủ trì đã thực hiện tại 221 doanh nghiệp (DN) đang HĐKS. Phần lớn các DN đã làm thủ tục thuê đất truớc khi tiến hành khai thác theo quy định của Luật Đất đai, còn 70/221 DN chưa thực hiện (chiếm 31,67%).Việc nộp phí BVMT, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác KS tuy có thực hiện, nhưng vẫn ở mức thấp với 81/221 DN chưa thực hiện. Việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến công tác quản lý kỹ thuật mỏ, công tác ATLĐ trong KTKS của các DN  hạn chế,  vẫn còn 94/221 DN (chiếm 42,53%) chưa thực hiện việc lập, phê duyệt thiết kế mỏ.

Những tồn tại cơ bản

 Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nhưng vẫn có địa phương ủy quyền cho giám đốc Sở TN & MT, Chủ tịch UBND cấp huyện cấp GP KTKS là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về KS. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về KS, ATLĐ triển khai chưa hiệu quả nên nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Công tác rà soát, điều chỉnh QH để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa QH khoáng sản cấp địa phương với QH của cả nước triển khai chậm. Các địa phương hoàn thành công tác khoanh định, trình phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm HĐKS mới đạt trên 40% là chưa đúng với Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.

Một số giấy phép HĐKS do UBND tỉnh cấp chưa phù hợp với quy định của pháp luật về KS, Quy hoạch KS, mức độ điều tra đánh giá KS. Một số GP nội dung là khai thác KS làm VLXD thông thường, nhưng trên thực tế, lại KTKS có giá trị cao hơn; công suất, thời gian được phép khai thác… không thống nhất. Tại không ít địa phương như An Giang, Thái Ngủyên, Quảng Bình, Sơn la, Quảng Ninh…một số DN đã kết thúc KTKS theo GP nhưng vẫn không đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác.

Rõ ràng, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân KTKS còn hạn chế, hiệu lực chưa cao. Hiện có 37/63 tỉnh, thành phố vẫn còn tình trạng hoạt động KTKS trái phép, gây mất trật tự an ninh xã hội, làm thất thoát tài nguyên, tổn hại môi trường mà không được xử lý như vàng sa khoáng, thiếc sa khoáng ở Nghệ An, Cao Bằng, Quảng Nam, Lai Châu, than ở Hải Dương…

 Với các DN khai thác KS làm VLXD vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghĩa vụ thuê đất; tại Hải Phòng, Hà Giang, Điện Biên…con số này lên tới 60-100%. Nhiều DN chưa thực hiện công tác quan trắc môi trường định kỳ trong KTKS, hoặc làm không đầy đủ, chưa đảm bảo tần suất quy định. Việc thực hiện nghĩa vụ trong công tác ATLĐ của các DN chưa tốt. Nhiều mỏ đá VLXD tại nhiều địa phương thông số hệ thống khai thác không đảm bảo quy định, gây nguy cơ mất ATLĐ, thậm chí có nơi đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.