Nghiên cứu

Nghiên cứu sản xuất kính tiết kiệm năng lượng low-E bằng công nghệ phun phủ đi từ các vật liệu polyme vô cơ và hạt nano oxít.

14/01/2013 - 10:31 SA

Ngày 11/1, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu Đề tài: “Nghiên cứu sản xuất kính tiết kiệm năng lượng low-E bằng công nghệ phun phủ đi từ các vật liệu polyme vô cơ và hạt nano oxít” mang mã số RD 29-11 của nhóm tác giả TCty Viglaceralà Trịnh Xuân Anh và cộng sự thực hiện. ThS. Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN& Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Tại hội đồng nghiệm thu

Chủ nhiệm nhóm đề tài Trịnh Xuân Anh đã trình bày trước hội đồng về nội dung “Nghiên cứu sản xuất kính tiết kiệm năng lượng low-E bằng công nghệ phun phủ đi từ các vật liệu polyme vô cơ và hạt nano oxít” gồm có: Thông tin chung về đề tài; giới thiệu chung về màng phủ low-E; thiết kế hệ vật liệu; thực nghiệm và kết quả… Mục tiêu của đề tài là chế tạo thành công sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng (low-E) bằng quy trình phun phủ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các nội dung, công việc thực hiện chủ yếu: Nghiên cứu quá trình tổng hợp oxit SnO2 kích thước nano bằng phương pháp sol-gel. Nghiên cứu tổng hợp polyme vô cơ đóng rắn bằng tia UV. Nghiên cứu quy trình chế tạo dung dịch phủ nano composite. Khảo sát cấu trúc, thành phần và tính chất của lớp phủ. Đánh giá đặc tính quang học và hiệu quả ngăn cản bức xạ hồng ngoại của lớp phủ trên kính xây dựng. Sản xuất thử nghiệm sản phẩm kính low-E. Đánh giá chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của lớp phủ low-E, có so sánh với sản phẩm tương đồng.

Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm tác giả đã chế tạo thành công bột nano oxit thiếc SnO2 pha tạp Sb có kích thước 5-10nm bằng phương pháp sol-gel với các điều kiện về nhiệt độ phản ứng 60oC, thời gian phản ứng 4h, và pH = 8-9. Tổng hợp thành công polymer vô cơ lai tạo từ các hợp chất alkoxide của silic: Tetramethyl orthosilicate (TMOS) và 3-Methacryloxy-propyl-trimethoxysilane (MPS) bằng phản ứng sol-gel với xúc tác axit. Chế tạo thành công lớp phủ trên kính theo phương pháp phun phủ có tính chất về quang học như: độ truyền sáng vùng nhìn thấy trên 65% và độ ngăn cản bức xạ hồng ngoại trên 60%. Phủ được trên 10m2 mẫu sản phẩm kính phủ và trên 20 lít dung dịch phủ.


Hình ảnh tại phòng thí nghiệm

Các báo cáo phản biện và ý kiến của các thành viên Hội đồng đánh giá cao tinh thần làm việc, nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài và nhận định sự thành công của nhóm trong việc sản xuất ra sản phẩm mới theo đúng mục tiêu đề tài. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra ý kiến đóng góp cho đề tài như: chỉnh sửa nội dung báo cáo cho đúng báo cáo khoa học, viết rõ phần thực nghiệm, bổ sung quy trình công nghệ…

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng - Th.s Trần Đình Thái nhất trí với các ý kiến của các thành viên Hội đồng và lưu ý nhóm tác giả tiếp thu để hoàn thiện đề tài báo cáo khoa học này. Đây là đề tài khó nhưng mang lại hiệu quả lớn, do vậy, Th.s Thái yêu cầu nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu sản phẩm để phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.