Doanh nghiệp

Xi măng Tân Thắng nghệ an: Công nghệ thân thiện với môi trường

13/08/2013 - 02:10 CH

Trong khi một số nhà máy xi măng (XM) đã đi vào sản xuất nhưng hiệu quả kém… thì vẫn có những DN tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này với quy mô lớn và dây chuyền tiên tiến bậc nhất thế giới.


Đầu tư XM vẫn rất hấp dẫn…

Lý do rất đơn giản, theo phân tích của ông Nguyễn Cao Điến - Tổng giám đốc Nhà máy XM Tân Thắng, bức tranh công nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy, XM vẫn là ngành sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là những DN được đầu tư bài bản, công nghệ thiết bị EU, G7 bởi nhu cầu tiêu thụ XM cho xây dựng, phát triển hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn tới là rất lớn. Ông Điến dẫn chứng, tiêu thụ XM quý I/2013 tăng khả quan 15%, dự báo tiếp tục tăng 5 - 10%/năm, trong khi nguồn cung bổ sung từ các dự án mới hạn chế, khả năng chỉ có 7/46 dự án theo Quy hoạch có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2012 - 2020. Phân tích thị trường cho thấy: Sau năm 2015 sẽ lại thiếu hụt và đến năm 2020 sẽ thiếu hụt lớn ở phân khúc sản phẩm XM chất lượng cao.

Thị trường XM Việt Nam vẫn đang chứng tỏ sức hấp dẫn đầu tư rất lớn nhưng đã qua thời đầu tư nhà máy XM công nghệ thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ để làm ra sản phẩm kém chất lượng. Những đơn vị làm ăn bài bản, thiết bị đồng bộ hiện đại, làm ra sản phẩm XM chất lượng cao với giá cả cạnh tranh đang chứng tỏ lợi thế cạnh tranh, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Xây dựng nhà máy XM hiện đại nhất thế giới


Với khát vọng xây dựng một DN tin cậy - đổi mới - hiệu quả, đón đường tăng cầu của thị trường XM sau năm 2015, Cty CP XM Tân Thắng đang đầu tư xây dựng dự án Nhà máy XM Tân Thắng giai đoạn I với công suất 5 nghìn tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn XM/năm trên địa bàn xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - nơi có trữ lượng lớn nguyên liệu chất lượng tốt (đá vôi, đất sét), giao thông thuận lợi, cách cảng Nghi Sơn 30km, cảng Đông Hồi 20km, cách QL1A 12km và là dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An, là dự án động lực của vùng kinh tế trọng điểm Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Không đi theo lối mòn lựa chọn suất đầu tư rẻ với thiết bị công nghệ lạc hậu, Cty CP XM Tân Thắng hướng đến xây dựng nhà máy sản xuất XM công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, ổn định với lợi thế cạnh tranh nhất, kinh doanh hiệu quả với hệ thống quản trị tối ưu, phát triển bền vững. Sau khi hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công san nền, thủ tục mỏ nguyên liệu, XM Tân Thắng đã lựa chọn được 5 nhà thầu uy tín hàng đầu thế giới cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới, tốt nhất trong nhóm các dự án xi măng có dây chuyền thiết bị xuất xứ EU, G7 đồng bộ, chất lượng cao đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng 93,3 triệu USD.

Ông Nguyễn Cao Điến cho biết, Nhà máy XM Tân Thắng sẽ sử dụng công nghệ lò quay kiểu 2 bệ đỡ, đốt được cả than giá rẻ, thiết bị làm nguội clinker hiệu suất thu hồi nhiệt cao, các máy nghiền đứng con lăn thế hệ mới nhất, hệ thống máy đóng bao tự động, hiện đại độ chính xác cao, xuất XM bao đa năng cho cả xe có mui, không mui, hệ thống điện tự động hóa cao cấp nhất hiện nay, điều khiển tập trung để kiểm soát hoạt động của toàn nhà máy đảm bảo hoạt động ổn định, tối ưu nhất. Chỉ tiêu tiêu hao điện là 83,3kWh/tấn XM, tiêu hao nhiệt là 720kcal/kg clinker, nồng độ bụi tại đầu ra các lọc bụi nhỏ hơn 30 mg/Nm3 và các chỉ tiêu này được đánh giá là thấp nhất hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nhu cầu phát triển hạ tầng của Việt Nam rất lớn, trong đó XM là một trong những nguyên liệu đặc biệt quan trọng phục vụ xây dựng, đầu tư phát triển hạ tầng và xuất khẩu. XM là ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, vốn đầu tư lớn, tác động tới môi trường nên Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 định hướng đến năm 2030. Dự án XM Tân Thắng nằm trong Quy hoạch này. Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư triển khai dự án đúng kế hoạch, không được sản xuất sớm hơn năm 2015, tập trung đào tạo cán bộ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm. “Từ sau năm 2014 trở đi, các dự án nhà máy XM chỉ được cung cấp 80% sản lượng điện, 20% sản lượng điện còn lại, các nhà máy tự cung cấp từ sử dụng khí thải để phát điện. Đây là quy định bắt buộc nhưng trong bối cảnh than, điện không ngừng tăng thì tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng nhiệt thừa để phát điện sẽ rất có lợi cho chủ đầu tư. Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra và đề nghị ngành Điện cắt theo đúng yêu cầu. Vì vậy, XM Tân Thắng cần lưu ý triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện cho nhà máy”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Theo baoxaydung

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.