Bảo vệ người tiêu dùng

Tôn giả lộng hành: Khuyến cáo từ cơ quan quản lý và DN

25/11/2014 - 04:29 CH

Ngành xây dựng Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển mạnh, trước những cảnh báo về tấm lợp amiang độc hại, người dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng vật liệu khác nên nhu cầu về tấm lợp tôn tăng mạnh, song song với đó là vấn nạn tôn giả, tôn nhái tìm cách tuồn vào công trình xây dựng.
Mỗi công trình dù là dân dụng hay công nghiệp thì ngay trong giai đoạn thiết kế đều có tiêu chuẩn về các yêu cầu kĩ thuật cũng như chất lượng riêng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu nhà cung cấp vật liệu tôn cố tình cung cấp tôn không đúng chất lượng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng.  

Theo ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), vấn nạn tôn giả, tôn nhái tìm cách tuồn vào công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cả về kinh tế, chất lượng công trình lẫn uy tín đối với chủ đầu tư cũng như thương hiệu của chính nhà thầu.

Theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất tôn có thương hiệu được bảo hộ, khi sử dụng tôn giả, tôn nhái thì rất chóng bị phai màu, giảm độ bền, nhanh gỉ sét, làm công trình nhanh xuống cấp, thay vì có thể sử dụng được 10 năm thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ bị gỉ sét sau khoảng 3 năm sử dụng. Trong trường hợp công trình như nhà, xưởng, kho bãi…, việc tôn bị gỉ sét làm dột nước mưa có thể làm hư hỏng các vật dụng, trang thiết bị, hàng hóa lưu trữ, gây tổn thất về kinh tế cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, để khắc phục hậu quả, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để sửa chữa tình trạng hư hỏng này, thậm chí phải thay lại toàn bộ mái tôn của công trình. Mặt khác, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, gió, bão, tôn không đủ chất  lượng dễ bị tốc, lật, rơi xuống gây nguy hiểm cho con người và vật dụng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, hiện ngành xây dựng Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển mạnh, bên cạnh đó tấm lợp amiang độc hại, xu hướng người dùng chuyển sang vật liệu khác nên nhu cầu về tấm lợp tôn tăng mạnh, vì thế kinh doanh tôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Thông thường tấm tôn rất mỏng, không ai tự nhiên đi đo trừ các cán bộ kỹ thuật nên hầu hết người tiêu dùng đều không thể phát hiện ra.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp xử lý, vì đây là gian lận thương mại rất tinh vi, vừa sản xuất hàng giả, hành vi buôn bán tôn kém chất lượng và có sự móc nối với nhau giữa dân buôn để “móc túi” người tiêu dùng và làm giảm uy tín của đơn vị thi công cũng như công trình bị sử dụng tôn giả. 


Khi sử dụng tôn giả, tôn nhái trong công trình xây dựng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng

Khuyến cáo từ doanh nghiệp sản xuất tôn thật


Đại diện lãnh đạo Công ty Tôn Phương Nam cho biết: “Hiện trên thị trường xuất hiện hàng nhái, hàng giả sản phẩm của chúng tôi với các tên gọi như: SC Việt Nhật, SCC Việt Nhật, Tôn Việt Nhật, Tôn Nhật Việt, Tôn Nhật, Tôn Japan. Bên cạnh đó, còn có một số xưởng cán sóng tôn nhập sản phẩm tôn mạ mầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chủ yếu từ Trung Quốc sử dụng máy in phun giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam - SSSC Tôn Việt Nhật và một số đơn vị in giả thông tin, mạo nhận là nhà phân phối sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu của chúng tôi và chào giá thấp hơn giá Công ty Tôn Phương Nam bán cho các đại lý phân phối từ 10-20% (đánh vào tâm lý ham lợi, ham rẻ của người mua)”.  

“Chúng tôi khuyến cáo hệ thống đại lý, nhà phân phối cảnh báo cho khách hàng của mình về hiện tượng lừa đảo trên để tránh xảy ra mất mát không đáng có. Chúng tôi cũng đề nghị khách hàng nên mua hàng trực tiếp từ các nhà phân phối chính thức tại khu vực để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình” – Đại diện Công ty Tôn Phương Nam cho biết.

Cũng theo đại diện Công ty Tôn Phương Nam, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân có thể đến một số đại lý phân phối lớn của công ty như: Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Hạnh, Công ty Thép Thành Đạt, Công ty Ngọc Dần, doanh nghiệp tư nhân Thịnh Ngọ. Đồng thời khi phát hiện các hiện tượng tôn giả, tôn kém chất lượng đề nghị khách hàng phản hồi thông tin lại cho công ty hoặc cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen lên tiếng, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng như: Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục sở hữu Trí tuệ, VCCI, Hiệp hội thép Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Cùng đó cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các doanh nghiệp trong nước.  

“Cần có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hơp vi phạm gian lận. Về phía doanh nghiệp, cần tổ chức những hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng cách phân biệt giữa tôn chính hãng và tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái, cũng như nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường hiện nay” - ông Thanh cho biết.

Theo DĐDN

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.