Bê tông

Bê tông lắp ghép - Sự trở lại mạnh mẽ

10/12/2018 - 01:37 CH

Sau thời gian bị lãng quên, sản phẩm bê tông lắp ghép đã trở lại mạnh mẽ trong thời gian qua và được kỳ vọng sẽ là sản phẩm tương lai của ngành xây dựng.
Xuất hiện từ sớm

Bê tông lắp ghép đúc sẵn không phải là vật liệu xây dựng mới xuất hiện, mà từ lâu trên thế giới, cấu kiện bê tông đúc sẵn đã được nghiên cứu nhằm giải bài toán thời gian xây dựng, cũng như giảm chịu lực hệ khung dầm trong các tòa nhà cao tầng.

Theo phương pháp này, người ta phân kết cấu thành các cấu kiện riêng biệt như sàn, trần, tường, dầm… để có thể chế tạo sẵn tại nhà máy hay sân bãi, rồi đem lắp ghép lại thành kết cấu tại các vị trí thiết kế. Do quá trình xây dựng kéo dài, công trình chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như khí hậu và thời tiết, nên tiến độ và chất lượng công trình xây dựng dễ bị ảnh hưởng khi triển khai các phương pháp thi công tại chỗ.
 

Sử dụng bê tông đúc sẵn trong xây dựng nhà ở giúp đẩy nhanh tiến độ của dự án và giảm giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, phần lớn cấu kiện được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp thông qua các công đoạn kiểm tra trong nhà xưởng, nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo ở mức tốt nhất. Các công việc còn lại ở hiện trường giảm thiểu đáng kể thời gian, nhân lực và đặc biệt là giảm khối lượng vật liệu cho biện pháp thi công như đà giáo, cốp pha so với việc đổ bê tông tại chỗ.

Theo tìm hiểu hệ kết cấu khung dầm gác các tầm sàn đúc sẵn này đã được đưa vào Việt Nam khoảng 30 - 40 năm trước và được áp dụng tại các chung cư tập thể cũ như Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Thanh Xuân, Nghĩa Đô… (Hà Nội) và một số khu nhà ở tại TP. Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An…

Tuy nhiên, do công nghệ xây dựng trước đây còn lạc hậu, nên việc lắp ghép nhà ở từ các tấm lớn bằng bê tông đúc sẵn còn nhiều hạn chế, không thể triển khai tại các khu chung cư trên 10 tầng.

Đồng thời, mặc dù được sản xuất ở các nhà máy, nhưng chất lượng các cấu kiện bê tông đúc sẵn tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều chung cư cao tầng đã xuống cấp. Do đó, các nhà cao tầng kể từ sau này lại trở lại với bê tông đúc tại chỗ để đảm bảo an toàn, dù giá thành cao hơn rất nhiều.

Mãi cho tới những năm gần đây, với sự phát triển của các công nghệ xây dựng hiện đại hơn, cùng nhu cầu tiết giảm các chi phí xây dựng và giảm giá thành sản phẩm, các hình thức bê tông lắp ghép mới bắt đầu được chú ý trở lại. Các nhà sản xuất bê tông lắp ghép đáng chú ý trong nước gồm Xuân Mai, Phan Vũ, An Quý Hưng… và sự xuất hiện của một số nhà đầu tư ngoại như Hinokiya Resco (HRC Việt Nam).

Nhiều tính năng ưu việt

Trao đổi với ông Đào Đức Phong, Giám đốc Nhà máy vật liệu mới An Quý Hưng, đơn vị đang phát triển sản phẩm tấm tường bê tông đúc sẵn Dura Light cho biết, từ trước tới nay, tấm tường các sản phẩm bê tông cấu kiện đúc sẵn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Đây là một công nghệ có nhiều tính năng ưu việt như chịu nhiệt, giảm thiểu kết cấu chịu lực, đặc biệt là giảm giá thành trong thi công so với các phương pháp xây dựng thông thường như bê tông đúc tại chỗ hay xây tường gạch.

Theo ông Phong, lý do trước đây bê tông đúc sẵn bị lãng quên do sự áp dụng ồ ạt theo kiểu phong trào, cùng với việc kiểm soát chất lượng xây dựng bị buông lỏng, công tác bảo trì công trình gần như không tồn tại, khiến tình trạng xuống cấp nhanh của hầu hết các công trình nhà lắp ghép, khiến người dân quay lưng với nhà lắp ghép.

Tuy nhiên, với những tính năng ưu việt đã được kiểm chứng, dòng sản phẩm này đã dần được các chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng trở lại trong những năm gần đây.

"Điều này đặc biệt quan trọng, bởi chính sách ưu tiên của Chính phủ là phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực. Vì thế, việc tiết giảm chi phí vật liệu xây dựng trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật là cách dễ dàng nhất để giảm giá thành sản phẩm, giúp người mua tiến gần hơn với căn nhà mơ ước của mình", ông Phong nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về tấm bê tông đúc sẵn Dura Light do An Quý Hưng nghiên cứu và sản xuất, ông Phong cho biết, tấm tường này rất nhẹ với thành phần hạt EPS cùng sợi PVA, nhưng vẫn đảm bảo độ bền chịu lực, chịu tải trọng. Trong khi đó, giá thành chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/m2, việc thi công lắp ghép bằng tấm tường Dura Light có thể tiết giảm từ 1/4 đến 1/3, thậm chí cao hơn so với đúc bê tông tại chỗ và xây tường gạch (bao gồm cả chi phí vật liệu và nhân công) do thời gian thi công ngắn hơn rất nhiều.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CJSC, đơn vị vừa khánh thành Nhà máy HRC chuyên về sản phẩm bê tông lắp ghép cho biết, sản phẩm bê tông đúc sẵn là sản phẩm của tương lai, giúp cho việc xây dựng các công trình công nghiệp, các khu đô thị hiện đại đạt tiêu chí tốt nhất cho một công trình.

Trong đó, hiệu quả do các cấu kiện được sản xuất từ các dây chuyền công nghiệp tạo được năng suất rất cao và các giá trị gia tăng cũng lớn theo. Tiếp theo, các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất có thể giảm ở mức tối thiểu; các chi phí quản lý cũng được giảm thiểu do chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao trong quá trình sản xuất; rủi ro về chất lượng được chủ động nhận dạng và khắc phục.

"Do công nghiệp hóa quá trình xây dựng nhà ở, các cấu kiện được điển hình hóa nên chi phí thiết kế được giảm thiểu, giúp giá thành xây dựng giảm đáng kể. Ngoài ra, tiến độ thi công cũng nhanh hơn và chất lượng được kiểm soát tốt, giúp tuổi thọ công trình được đảm bảo" ông Tĩnh nói và cho biết, trong tương lai, sản phẩm này sẽ được phổ biến rộng rãi, đặc biệt khi Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động giảm thải ô nhiễm môi trường từ các hình thức thi công truyền thống.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, không có lý do gì mà sự ưu việt của công nghệ xây dựng theo phương pháp lắp ghép không được khai thác trong chương trình phát triển nhà ở cho nhân dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, muốn phát triển loại nhà này, phải đầu tư nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc về mọi vấn đề làm cơ sở cho sự triển khai đại trà công nghệ này.

Trong đó, muốn phát triển công nghệ này nhiều hơn, đa dạng hơn, đặc biệt đối với công nghệ lắp ghép tấm lớn, thì cần nghiên cứu để tìm được các lời giải cho giải pháp kiến trúc, giải pháp kết cấu mà nhất là mối nối, công nghệ thi công, mức độ hoàn thiện của cấu kiện và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật trong nhà cùng vấn đề bảo trì thuận tiên trong suốt tuổi thọ công trình…

Nếu đảm bảo được các điều kiện ấy, chắc chắn sản phẩm này có triển vọng phát triển rất tốt. Sự kết hợp giữa nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà khoa học tạo điểm tựa quan trọng cho sự phát triển công nghệ này trong tương lai.

VLXD.org (TH/ TNCK)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.