Xi măng

Xi măng Việt Nam: Vẫn tắc cửa ra

08/05/2015 - 04:20 CH

Dù đứng hàng thứ 5 trên thế giới và dự báo đến năm 2020 công suất có thể đạt 100 triệu tấn /năm. Nhưng, đến thời điểm này ngành xi măng VN vẫn đang phải “dò dẫm” tìm đường XK, và chưa có một chiến lược bài bản nào để thúc đẩy ngành vốn được xem là nhiều tiềm năng ở VN phát triển bền vững.
Chưa nói đến việc xi măng Việt Nam cạnh tranh với xi măng thế giới, ngay bản thân các DN trong nước cũng đang “mạnh ai lấy làm”, không chú trọng đến cạnh tranh chất lượng mà chỉ “nhăm nhăm” cạnh tranh về giá thành.

Nỗi buồn TOP 5

Với  74 dây chuyền đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 – 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%, ngành xi măng Việt Nam được đánh giá là TOP 5 thế giới, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.

Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, xi măng Việt Nam là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển, hơn nữa nguồn tài nguyên để sản xuất xi măng trong nước rất dồi dào. Ông cho biết, trữ  lượng đá vôi của Việt Nam có thể dùng cho sản xuất xi măng trong vòng 100 năm nữa. Đây chắc chắn là điều kiện tốt để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu thế giới, mang lại nguồn thu cho quốc gia.

“Quan điểm của tôi là ủng hộ xuất khẩu vì tiềm năng trong nước còn rất lớn. Tuy nhiên, ngành xi măng cần giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững, cũng như ít tác động đến môi trường” - ông Nam khẳng định.

Điều ông Nam muốn tưởng như dễ nhưng thực ra rất khó bởi ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự được coi trọng. Còn cách tính toán của các DN, vẫn chưa thoát ra được những toan tính mang tính riêng lẻ từng DN, chưa thực sự có tính liên kết vì mục tiêu chung.

Tại cuộc hội thảo về xuất khẩu xi măng gần đây, ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách - Tổng Cty  Xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ: Hiện trong số 106 DN sản xuất và kinh doanh có 5 đơn vị xuất khẩu chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả. xuất khẩu chủ yếu vẫn thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading. Và, thị trường chính vẫn là các nước: Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia.

Theo ông Quân, mặc dù nhà nhập khẩu không của DN nào, nhưng nhiều khi các DN Việt Nam không chịu chia sẻ thông tin với nhau. Ông dẫn chứng, Có thời điểm khi giá thị trường giảm chỉ 0,5 USD  nhưng sản phẩm Việt Nam giảm tới 2 USD. Còn khi thị trường tăng tới 4 USD nhưng DNVN lại chỉ tăng 1 USD. "Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá" - ông Quân cho biết.


Ngành xi măng Việt Nam vẫn đang phải “dò dẫm” tìm đường xuất khẩu

Xã hội hóa đầu tư cảng xuất khẩu xi măng

Mặc dù năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD tăng gần gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu xi măng. Dự kiến trong năm 2015  sản lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 4 - 5 triệu tấn. Nhưng xi măng Việt Nam vẫn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khiến đầu ra bị “tắc”.

Theo tính toán, lượng xi măng tiêu thụ trong nước hiện đang dư thừa khoảng 10 triệu tấn (đã trừ đi lượng ximăng tiêu thụ trong nước khoảng 52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 72 triệu tấn). Như vậy, rõ ràng tương lai của ngành xi măng đang phụ thuộc phần lớn vào bài toán đầu ra xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, có hai “nút thắt” mà các bộ, ngành và Hiệp hội Xi măng cần quan tâm để có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ nhất, với một nước có tiềm năng sản xuất xi măng lớn như Việt Nam, cần phải có cảng chuyên dụng để bốc xếp sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30.000 tấn trở lên. Để làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải nên ưu tiên vốn, thậm chí có cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng xuất khẩu sản phẩm xi măng; Thứ hai, tăng cường tính liên kết DN, kết hợp tốt giữa các DN trong vận chuyển.

Chẳng hạn, hiện nay Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực có nhu cầu lớn nhập khẩu than từ Indonesia, trong khi các DN xi măng lại có nhu cầu xuất khẩu lớn sang thị trường Philippines. Rõ ràng, nếu có cơ chế trao đổi, kết hợp hàng hai chiều, xuất xi măng sang Philippines, nhập than từ Indonesia sẽ giảm giá cước cho cả hai bên.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cũng nên chủ động nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định.

Theo DĐDN

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.