Xi măng

Lưỡng lự xuất khẩu xi măng

27/04/2015 - 10:03 CH

Xi măng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng nhanh nhất trong những năm gần đây (ngoại trừ điện thoại di động có sự tham gia của khối doanh nghiệp FDI). Khối lượng xuất khẩu xi măng đạt khoảng 20 triệu tấn, giá trị xuất khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD (năm 2014).
Việt Nam từ nước nhập khẩu thành nước đứng đầu khu vực ASEAN về xuất khẩu xi măng, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu khi chưa có một định hướng phát triển ngành rõ ràng.



Bộ chuyên ngành ủng hộ, bộ quản lý phân vân

Bộ Xây dựng đánh giá nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng Việt Nam rất lớn, có chất lượng tốt, trữ lượng đá vôi cả nước ước tính trên 32 tỷ tấn, đất sét xi măng trên 4,6 tỷ tấn, phụ gia làm xi măng trên 3,6 tỷ tấn. Trong đó, lượng đá vôi đã khảo sát, cấp phép khai thác đưa vào sản xuất xi măng theo quy hoạch đến năm 2020 trên 12 tỷ tấn.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, với trữ lượng như vậy, Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất xi măng hàng trăm năm. Hơn nữa, sản xuất xi măng là chế biến sâu khoáng sản, sản phẩm xi măng là kết quả của một chuỗi giá trị gia tăng. Nên giá trị gia tăng măng lại từ hoạt động xuất khẩu rất cao. Chi phí đá vôi hiện nay khoảng 2 - 3 USD/tấn, trong khi giá trị xuất khẩu xi măng đạt 50 - 55 USD/tấn xi măng, xuất khẩu clinker khoảng 40 USD/tấn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, ngành xi măng mới thực sự là mũi nhọn chứ không phải là sắt thép, luyện kim. Xuất khẩu xi măng Việt Nam đi sau các nước ASEAN, nhưng ngành công nghiệp xi măng phát triển mạnh hơn, đến nay Việt Nam đã đứng đầu ASEAN về xuất khẩu xi măng. Năm 2014 Việt Nam sản xuất khoảng 71 triệu tấn xi măng, xuất khẩu gần 20 triệu tấn. Trong 10 - 20 năm tới chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xi măng để khai thác tối đa công suất các nhà máy hiện có.

Theo quy hoạch phát triển ngành xi măng, hiện cả nước có 74 dây chuyền sản xuất xi măng đang vận hành, tổng công suất thiết kế hơn 77 triệu tấn. Đến 2020 công suất sản xuất các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ cán ngưỡng 100 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xi măng trong nước hiện nay chỉ khoảng trên 50 triệu tấn/năm. Xuất khẩu đang là một kênh tiêu thụ góp phần điều tiết thị trường xi măng trong nước. Xuất khẩu xi măng hiện đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/năm, con số 1 tỷ USD có thể dùy lâu dài nếu chúng ta có một định hướng xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì việc tìm ra được giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam không phải tăng về khối lượng và sản lượng xi măng xuất khẩu mà cần phải được đánh giá kỹ lưỡng. Cần nhấn mạnh rằng, khi nói đến hiệu quả trong xuất khẩu có nghĩa là chúng ta phải nói đến những yếu tố mang tính bền vững trong tương lai chứ không đơn thuần là tính đến giá trị xuất khẩu mà chúng ta đã đạt được trong năm 2014 và những năm trước đó.

Hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam cần được đánh giá một cách cẩn trọng cũng như làm một cách toàn diện và gắn với thực tế của Việt Nam. Trên thực tế xuất khẩu là việc cần thiết vì trong vòng 4 năm nay, công suất sản xuất thực tế của xi măng Việt Nam đã vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa.Với thực tế như vậy thì giải pháp đặt ra đối với việc tiêu thụ xi măng hàng năm bắt buộc phải tính đến yếu tố xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Trước mắt việc xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng như thời gian vừa qua và gắn với việc giá cả trên thị trường thế giới ổn định. Vì vậy, có thể nói trước mắt mặt hàng xi măng chưa phải là mặt hàng trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên đã có vị thế nhất định và quan trọng hơn cả là đã góp phần đưa ra giải pháp cho việc tiêu thụ đối với ngành xi măng của Việt Nam.

Doanh nghiệp thiếu định hướng xuất khẩu

Đại diện TCty Xi măng Việt Nam (Vicem), ông Nguyễn Anh Quân cho rằng, nếu không có xuất khẩu thì con số tồn ứ xi măng rất nhiều, xuất khẩu đã giúp duy trì hoạt động các nhà máy xi măng hiện có, góp phần giải quyết công ăn việc làm người lao động. Cung cầu trên thị trường xi măng không chỉ thừa theo cơ cấu thị trường mà còn thừa theo mùa. Lò xi măng, các dây chuyền sản xuất xi măng đã chạy không dừng được, đây là một đặc thù của ngành công nghiệp xi măng.

Hơn nữa, trong số 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xi măng, clinker chỉ có 6 đơn vị xuất khẩu hàng đầu là: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch, Cẩm Phả, Nghi Sơn. Song thời gian qua hầu hết các đơn vị không mở rộng được thị trường, ngoài Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, và thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Quân, rõ ràng, thông số thị trường của các đơn vị đều giao thoa với nhau, nhà nhập khẩu không của riêng một đơn vị nào, nếu không chia sẻ thông tin hoặc kết hợp với nhau thành nhóm thì chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng Việt Nam sẽ bị lợi dụng để các đối tác cạnh tranh làm giá.

Thực tế hoạt động xuất khẩu xi măng năm 2014 cũng cho thấy, có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD/ tấn, thì sản phẩm của Việt Nam chỉ tăng 1 USD/tấn. Ngược lại khi giá thế giới giảm chỉ 0,5 USD/tấn, thì giá của các doanh nghiệp trong nước xuống tới 2 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang tự làm khó nhau chứ không hoàn toàn do các đối tác nhập khẩu làm giá.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hoạt động xuất khẩu xi măng đang vướng ba vấn đề, thứ nhất là các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau theo hướng hạ giá thành chứ không cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, tiếp thị, thương hiệu, mở rộng thị trường. Thứ hai xi măng là vật liệu xây dựng rất nặng nhưng lại đang thiếu một hệ thống logistics kho bãi, cầu cảng và tàu vận chuyển chuyên dụng. Thứ ba là chúng ta chưa chủ động tìm kiếm thị trường mới, xuất khẩu xi măng hiện nay phần lớn là do các nhà nhập khẩu, tự khách họ đến đặt mua, họ ngắt hợp đồng lúc nào mình không chủ động được.

Hơn nữa vấn đề quan điểm có đẩy mạnh xuất khẩu xi măng như một mặt hàng xuất khẩu trọng điểm hay chỉ coi đó là một giải pháp tình thế vừa xuất khẩu một lượng nhất định có kiểm soát, vừa giải quyết vấn đề tiêu thụ trong nước khi nhu cầu giảm cũng gây băn khoăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng.

Theo Báo Xây dựng

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.