Xi măng

Vicem: Nỗ lực giảm giá thành, đẩy mạnh xuất khẩu

11/01/2016 - 03:05 CH

Ông Trần Việt Thắng - Tổng Giám đốc Vicem đề nghị các Cty xi măng thành viên đẩy mạnh tiêu thụ trong nước tăng tối thiểu là 10% so với năm 2015; Tập trung tăng sản lượng tiêu thụ xi măng, thị phần cốt lõi, các địa bàn có lợi thế về vận chuyển; đồng thời duy trì mục tiêu xuất khẩu để hỗ trợ thị trường nội địa.

Năm 2015, sản lượng xuất khẩu xi măng, Clinker của Việt Nam bị sụt giảm mạnh do phải cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesesia, dẫn đến cạnh tranh nội địa càng khốc liệt hơn.

 

Thị trường xi măng sản lượng cao hơn so với cầu, tổng cung trên thị trường xi măng khoảng 81 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng 53,18 triệu tấn tăng 9,1% so với năm 2014, dư cung gần 30 triệu tấn. Cho nên các doanh nghiệp phải giải quyết bằng xuất khẩu, khi xuất khẩu không bù đắp được biến phí buộc doanh nghiệp phải giảm, dãn hoặc dừng sản xuất.

 

Nội địa – cạnh tranh khốc liệt

 

Với vai trò điều tiết và bình ổn thị trường xi măng, TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ nội địa có mức tăng trưởng cao nhất đạt 19,16 triệu tấn tăng 10,6%. Khối xi măng liên doanh đạt 15,57% tăng 9% và khối xi măng khác đạt 18,44 triệu tấn tăng 7,8%.

 

Cụ thể, Vicem ghi dấu thành công hoàn thành xuất sắc kế hoạch SXKD năm 2015 với lợi nhuận gấp 2 lần so với năm 2014, cao nhất từ trước tới nay. Nộp ngân sách trên 1,5 lần so với năm 2014. Tất cả các Cty sản xuất xi măng thuộc Vicem đều có lợi nhuận. Đời sống, việc làm của người lao động được chăm lo. Và cũng đã tổ chức đại hội Đảng các cấp thành công.

 

Nếu trước đây Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng sản xuất kinh doanh thua lỗ thì sang năm 2015 đã có lợi nhuận, các vấn đề tồn tại được xử lý, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai. Những Cty đã khá nền nếp như Vicem Hà Tiên, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai… đều có kết quả kinh doanh tốt, vững chắc hơn năm trước. Đây là nỗ của Vicem đã phát huy tác dụng trong việc tập trung cho ngành nghề chính, qui tụ thương hiệu thành một mái nhà chung, trên thực tế hiện nay, các Cty trong toàn Vicem đều cố gắng và khẳng định bản lĩnh. Không còn Cty nào yếu, nguy cơ về rủi ro SXKD cao và hoạt động không bền vững, thay vào đó là những bước đi vững chắc.

 

 
Sản lượng xuất khẩu xi măng, Clinker của Việt Nam bị sụt giảm mạnh do phải cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng lớn

 

Xuất khẩu – cạnh tranh trực tiếp về giá

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt Thắng – Tổng Giám đốc Vicem cho biết: Nếu khả năng điều chỉnh tỷ giá hay phá giá đồng tiền thì rất khó khăn cho cả ngành xi măng. Từ đó, xuất khẩu cực kỳ khó khăn, theo tính toán nếu đồng nhân dân tệ giảm khoảng 10 USD một tấn clinke, nguồn cung sẽ dư thừa 400 triệu tấn xi măng, bằng 10 lần tổng công suất, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất năm 2016.

 

Đứng trước tình hình chung đó, nếu Vicem không có giải pháp cải thiện định mức tiêu hao, tiếp tục giảm giá đầu vào thì biến phí lớn, nếu giá xuất khẩu nhỏ hơn biến phí thì phải dừng sản xuất, ít nhất cũng phải bù được biến phí. Đồng thời yêu cầu phải kéo dài thời gian chạy lò, tăng chất lượng clanhker trên cơ sở tối ưu hóa vận hành, tiết giảm chi phí đầu vào, định mức năng lượng liên quan đến dầu, than điện. Đặc biệt, đưa tiêu hao năng lượng chủ yếu là than xuống dưới 1%, giảm sửa chữa để giảm chi phí mới có cơ sở duy trì hoạt động sản xuất trong năm nay. Vicem sẽ hỗ trợ để vực xi măng Hải Vân, xi măng Đà Nẵng và thạch cao xi măng, trả về đúng về trí của Vicem ở miền trung.

 

Ông Thắng nhấn mạnh, đề nghị các Cty xi măng thành viên đẩy mạnh tiêu thụ trong nước tăng tối thiểu là 10% so với năm 2015. Tập trung tăng sản lượng tiêu thụ xi măng, thị phần cốt lõi, các địa bàn có lợi thế về vận chuyển. Duy trì mục tiêu xuất khẩu để hỗ trợ thị trường nội địa. Phấn đấu giảm lượng tồn clinker ở mức hợp lý. Không được điều chỉnh lợi nhuận tăng lên bằng việc giảm thu nhập của người lao động, mà phải tìm cách tăng thu nhập cho người lao động để đảm bảo mức sống cho người lao động thì họ mới gắn kết với Cty.

 

Theo kế hoạch, Vicem tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp nhận trách nhiệm tái cấu trúc 2 Cty xi măng thua lỗ, ở trong tình cảnh mất vốn là Cty xi măng Hạ Long và xi măng Sông Thao, theo chỉ đạo của Thủ Tướng và Bộ xây dựng. Phối hợp thực hiện để xác định giá trị doanh nghiệp trình Bộ Xây dựng phê duyệt sau khi hoàn thành tủ tục, Vicem mới tiếp nhận 2 nhà máy này.

 

Tính đến thời điểm này, công tác tái cơ cấu của Vicem với ba nội dung chính là cổ phần hóa Cty mẹ Vicem, trong đó có 3 Cty con nằm trong Cty mẹ là Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp; thoái vốn; đổi mới quản trị nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp đã triển khai quyết liệt, kiểm soát theo lộ trình hợp lý. Đồng thời, xây dựng và phát triển thương hiệu xi măng của Vicem ngày càng uy tín, thân thiện và giữ vững vị trí số 1 trên thị trường.

 

Mục tiêu năm 2016, Vicem sản xuất Clinker 17 triệu tấn, sản xuất xi măng 22 triệu tấn. Tiêu thụ xi măng và clinker 24 triệu tấn, doanh thu 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ.

 

Theo DNVN

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.