Xi măng

Hiện trạng và những khó khăn của ngành Xi măng Việt Nam

13/04/2024 - 08:33 SA

Sản lượng xi măng của Việt Nam tại thời điểm hiện tại xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Về trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường, ngành Xi măng Việt Nam nằm trong top đầu trong các nước ASEAN cùng với Thái Lan.
Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm, năng lực sản xuất xi măng thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn xi măng/năm. Hiện nay, 80% sản lượng xi măng được sản xuất trên các dây chuyền có công suất lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại; còn khoảng 20% sản lượng xi măng được sản xuất từ các dây chuyền công nghệ xi măng lò quay công suất nhỏ.

Sản lượng xi măng liên tục tăng từ năm 2010 đến năm 2021. Năm 2021, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ được là trên 108 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, lượng xi măng tiêu thụ đã sụt giảm do gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội còn chậm nên sức hấp thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong đó có xi măng còn thấp. Trong hơn 10 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng rất chậm, tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước (tính bình quân số học) 12 năm qua chỉ đạt 2,3%/năm. Đặc biệt, các năm 2022 và 2023 tăng trưởng tiêu thụ âm, trong khi tăng trưởng GDP trong giai đoạn đó (tính bình quân số học) là 5,7%.


Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xi măng phải tìm đường xuất khẩu để duy trì sản xuất. Năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 45 triệu tấn xi măng và clinker. Nếu không xuất khẩu, ngành Xi măng sẽ gặp khó khăn, các doanh nghiệp sẽ phá sản, có nguy cơ quay lại tình trạng thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010. 

Mặc dù gặp khó khăn về tiêu thụ, giá năng lượng tăng, các doanh nghiệp ngành Xi măng vẫn không ngừng đầu tư nâng cao công nghệ, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Các nhà máy sản xuất xi măng đã tích cực tái sử dụng rác thải, phế thải làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế, sử dụng nhiệt thải lò nung để phát điện. Đến nay đã có 30 dây chuyền sản xuất xi măng đầu tư hệ thống sử dụng nhiệt thải lò nung phát điện với tổng công suất phát điện đã đầu tư là 227 MW, chiếm 55% tiềm năng phát điện từ tổng các lò nung xi măng hiện có.

Về sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải, chất thải công nghiệp, hiện nay đã có 11 nhà máy xi măng sử dụng rác thải thay thế than với mức độ thay thế nhiệt cho than ở các nhà máy này là khoảng 30%. Các nhà máy xi măng đang tích cực phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu về chi phí năng lượng, sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế theo Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020. 

Theo các mục tiêu này, ngành Xi măng vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tạo ra nguồn năng lượng, nguyên liệu tái sinh góp phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Trong năm 2023 vừa qua, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker đạt 87,865 triệu tấn (trong đó: tiêu thụ xi măng nội địa: 56,621 triệu tấn xi măng; xuất khẩu: 31,245 triệu tấn, bao gồm: 10,932 triệu tấn clinker và 20,312 triệu tấn xi măng). Theo đó, lượng tiêu thụ xi măng trong nước chỉ bằng 84% so với năm 2022; tổng lượng xuất khẩu bằng 99% so với năm 2022. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu clinker chỉ bằng 72% so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng Việt Nam đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài.

Giai đoạn này, ngành Xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Tiêu thụ nội địa rất yếu do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông vẫn sử dụng công nghệ truyền thống; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.

Bên cạnh đó, các yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành Xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm.

Mặt khác, doanh nghiệp xi măng trong nước đang phải chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.

Cuối cùng là sức ép môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn.

Tất cả những khó khăn đó đẩy ngành Xi măng vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan. Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp xi măng cần tìm cách để giảm chi phí, tăng năng suất và tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển. Cùng với đó, Chính phủ cũng xem xét để đưa ra các chính sách hỗ trợ đưa ngành Xi măng trở lại trạng thái tương đồng với nền kinh tế.
 
VLXD.org
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.