Xi măng

Bức tranh tổng quan ngành công nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

27/10/2023 - 11:38 SA

Trong những năm qua, với lợi thế về nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét dồi dào, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, trọng điểm về sản xuất xi măng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận 6 dự án sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 27,61 triệu tấn/năm, gồm: Xi măng Vicem Bỉm Sơn (2 dây chuyền, công suất 3,85 triệu tấn/năm); Xi măng Nghi Sơn (2 dây chuyền, công suất 4,3 triệu tấn/năm); Xi măng Công Thanh (2 dây chuyền, công suất 4,75 triệu tấn/năm); Xi măng Long Sơn (4 dây chuyền, công suất 9,2 triệu tấn/năm); Xi măng Đại Dương (2 dây chuyền, công suất 4,6 triệu tấn/năm) và Xi măng Thanh Sơn (1 dây chuyền, công suất 0,91 triệu tấn/năm).

Trong đó, đối với dự án Xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc), Thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản cho chủ trương dừng triển khai thực hiện. UBND tỉnh đang báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các trình tự, thủ tục chấm dứt dự án theo quy định. Ngoài ra, dự án Xi măng Đại Dương đang tiếp tục chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để báo cáo các cấp có thẩm quyền xin chủ trương đầu tư các dây chuyền sản xuất số 3 và 4 với công suất mỗi dây chuyền 2,3 triệu tấn/năm.
 
Hệ thống cảng biển chuyên dụng nhà máy Xi măng Long Sơn.
 
Trong năm 2023, đã đưa dây chuyền 4 của nhà máy Xi măng Long Sơn và dây chuyền 1 của nhà máy Xi măng Đại Dương đi vào vận hành sản xuất; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng cộng 5 nhà máy xi măng với 11 dây chuyền sản xuất đã đi vào vận hành, tổng công suất thiết kế 24,4 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker năm 2022 toàn tỉnh đạt 22,1 triệu tấn; 9 tháng đầu năm 2023 đạt 20,8 triệu tấn, tăng trưởng nhẹ 0,97% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh hiện chiếm gần 20% tổng sản lượng cả nước và là tỉnh dẫn đầu cả về công suất và sản lượng; xi măng tiếp tục là ngành công nghiệp chủ lực, góp phần quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Công tác cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, toàn bộ các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đều áp dụng công nghệ sản xuất lò quay phương pháp khô có hệ thống trao đổi nhiệt; đây là công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến và thông dụng nhất hiện nay với các thiết bị chính như: lò nung, máy nghiền,.. được chế tạo bởi các hãng sản xuất nổi tiếng Thế giới như Polysius, FL.Smith, Loesche, Kawasaki,...Các giải pháp bảo vệ môi trường được chú trọng, các dự án đều đã trang bị hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát khí thải, bụi, tiếng ồn trong sản xuất và được kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên.

Đặc biệt, tất cả các nhà máy đã và đang triển khai đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nguồn nhiệt dư; trong đó, các hệ thống nhiệt dư gắn với các dây chuyền 1,2,3 - nhà máy Xi măng Long Sơn (tổng công suất 24 MW); dây chuyền 1,2 nhà máy Xi măng Công Thanh (tổng công suất 16,2 MW) đều đã vận hành; các hệ thống nhiệt dư của nhà máy Xi măng Nghi Sơn (20 MW), nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (14 MW), nhà máy Xi măng Đại Dương (15 MW) và dây chuyền 4 nhà máy Xi măng Long Sơn (10 MW) đang được triển khai đầu tư. Giải pháp lắp đặt hệ thống phát điện từ nguồn nhiệt dư đã giúp các nhà máy giảm thiểu 15 - 20% lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất, hạn chế lượng bụi xả thải ra môi trường.

Về thị trường, hiện nay sản phẩm của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tiêu thụ trên thị trường nội địa (khoảng 65%) và xuất khẩu (khoảng 35%) đi thị trường một số nước, khu vực, như: Trung Quốc, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan, Bangladesh, Úc, Mỹ, Châu Phi... đáng chú ý vào tháng 5/2023 vừa qua, Công ty Xi măng Nghi Sơn đã xuất khẩu được lô hàng đầu tiên 31.500 tấn xi măng sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, ngành công nghiệp xi măng của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, khi tiêu thụ nội địa giảm do ngành Xây dựng trong nước tăng trưởng thấp, thị trường bất động sản trầm lắng khiến thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao; thị trường xuất khẩu suy giảm, nhất là thị trường Trung Quốc suy giảm mạnh; thuế xuất khẩu tăng, giá cả các nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất như: than, xăng dầu, điện, bao bì... đều có xu hướng tăng; những yếu tố này khiến các nhà máy sản xuất xi măng cả nước nói chung, trên địa tỉnh nói riêng phải cạnh tranh khốc liệt về giá cả, thị trường và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng cảng biển, dịch vụ logictics của tỉnh vẫn chưa được hoàn thiện nên sản phẩm không tận dụng được lợi thế cạnh tranh về chi phí (hiện xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn mới chiếm khoảng 15% sản lượng xi măng xuất khẩu của tỉnh). Ngoài ra, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các cấu kiện bê tông chất lượng cao để tận dụng lợi thế nguồn cung xi măng dồi dào, gia tăng giá trị sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất xi măng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như thúc đẩy đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản; nghiên cứu thu hút đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao…; đồng thời, các doanh nghiệp xi măng cần tích cực nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường; tăng cường mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...
 
VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.