Sắt, Thép

Xuất khẩu sắt thép: Tăng về lượng nhưng kim ngạch lại giảm

07/09/2023 - 02:09 CH

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8 năm 2023 (1 - 15/8), cả nước xuất khẩu gần 335.000 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt 235,5 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/8, cả nước xuất khẩu 6,73 triệu tấn sắt thép các loại, tổng kim ngạch đạt 5,23 tỷ USD.
Đặc biệt, lượng sắt thép xuất khẩu tăng tới 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch giảm gần 10%. Như vậy, trị giá bình quân mỗi tấn sắt thép xuất khẩu cũng giảm sâu so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, những tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 777 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1.000 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, EU và ASEAN là 2 khu vực dẫn đầu thị phần. Theo Tổng cục Hải quan hết tháng 7 ghi nhận xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường EU đạt 2,02 triệu tấn (27 nước), tăng cao tới 84% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lượng sắt thép sang thị trường ASEAN là 2,01 triệu tấn, nhưng giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.


Có thể thấy, khó khăn và thách thức đối với ngành Thép của Việt Nam còn rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong tương lai, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU cũng sẽ là một trong những thách thức không hề nhỏ đối với ngành thép Việt Nam.

Được biết, CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Bốn nhóm hàng bao gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Trong đó, các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này.

Theo đó, Cơ chế được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thí điểm từ tháng 10/2023, áp dụng ban đầu với các hàng hóa nhập khẩu, trong đó có ngành thép. Các doanh nghiệp xuất khẩu giai đoạn này chỉ phải khai báo mức phát thải.

Giai đoạn bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng sẽ bắt đầu từ sau năm 2026. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải (ETS) của EU, biểu thị bằng EUR/tấn CO2 thải ra. Nếu các doanh nghiệp thép Việt không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh về mặt giá trị.

Theo ước tính của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), CBAM làm giảm trung bình GDP hàng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Mặc dù so với quy mô tổng thể nền kinh tế, đạt khoảng hơn 400 tỷ USD, con số này không đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế tương tự đang nhen nhóm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Canada… sẽ tác động mang tính dài hạn cho cả nền kinh tế .

Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp dự tính giảm 50% lượng khí thải carbon bằng một số kỹ thuật tiên tiến, sản xuất thép bằng Hydro (H2). Đây là xu hướng tất yếu về dài hạn và phù hợp với mục tiêu Net-Zero của Chính phủ.

Đây là thách thức, song cũng là động lực thúc đẩy ngành thép trong nước hướng tới sản xuất xanh. Bởi xanh hóa ngành Thép là xu hướng tất yếu, dù có nhiều thử thách với chi phí vốn lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng thép xanh được nhận định sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tiếp cận tới các thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục.
 
VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.