Cát, Đá, Sỏi

Giải bài toán thiếu cát sông trong xây dựng khu vực ĐBSCL

04/12/2023 - 10:50 SA

Vấn đề thiếu cát xây dựng ở ĐBSCL trước thách thức về nguồn cung ngày càng cạn kiệt, trong khi các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo nóng về tình trạng sạt lở bờ sông, gây tổn thương các dòng sông khi tăng khai thác. Trong bối cảnh trên, các nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, giải pháp và công nghệ mới cho thi công các công trình giảm sử dụng cát sông…
Cát biển thay thế cát sông?

Theo kết quả nghiên cứu "Ngân hàng cát cho ĐBSCL" do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam công bố, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy chỉ có khoảng 0 - 0,6 triệu m³ cát đổ ra vùng ven biển mỗi năm, trong khi lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn đã giảm còn 2 - 4 triệu m³/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện và lượng cát khai thác ở ĐBSCL từ 35 - 55 triệu m³/năm. Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại thì trữ lượng cát ở đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến năm 2040 và ngược lại sẽ cạn kiệt vào 2035.
 

Những công trình cao tốc khu vực ĐBSCL đang gặp khó về nguồn cát san lấp.

 
Trong khi đó, ĐBSCL đang triển khai hàng loạt các công trình, dự án trong đó có các dự án giao thông quan trọng như dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Cùng đó, các địa phương cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt là các tuyến đường giao thông để kết nối liên vùng. Song, tình trạng nguồn cát sông ngày càng cạn kiệt đang ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Điều này ảnh hưởng tiến độ, giá thành san lấp của các dự án bị đội lên so với tính toán ban đầu…

Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông. Hiện một số vật liệu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học như tro trấu, tro bã mía, cát nghiền, bê tông tái chế, thủy tinh phế thải, cao su phế thải, tro xỉ… Trong đó, đáng chú ý nhất chính là cát biển.

Theo ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong, nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, sau khi xử lý, loại cát ra được cũng như cát sông. Hệ thống thiết bị của công ty đã loại bỏ hết muối, chất lượng được đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ. Trong quá trình làm, công ty nghiên cứu, phân tích, nếu đưa được cát biển vào xây dựng, san lấp rẻ hơn cát sông. Trong khi khai thác cát sông nhiều có thể gây sạt lở. Còn cát biển khi lấy ở biển, ở các cồn biển, rất ít tạp chất hữu cơ, khi đưa vào tuyển rửa giá thành giảm đi rất nhiều. Về giá thành so với cát sông có thể giảm trên 100.000 đồng/m³. Tất nhiên không thể so với các mỏ cát gần công trình vì liên quan tới chi phí vận chuyển. Do vậy, nếu quy hoạch khai thác đúng, sẽ hạn chế được việc sạt lở, đồng thời giải quyết vật liệu xây dựng...

Và phương pháp khác…

Theo ý kiến của các nhà khoa học, nhu cầu sử dụng cát sông tăng, nguồn cung giảm tác động không nhỏ đến môi trường, sự phát triển của ngành Xây dựng. Chúng ta có thể nghiên cứu phương pháp giúp giảm tác động chứ không thể giải quyết triệt để được và cũng không thể áp dụng vật liệu thay thế cho toàn bộ các công trình được. Vì vậy cần lựa chọn phương pháp cho phù hợp.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ đề xuất, để giảm vật liệu cát trong xây dựng, có thể xem xét một số phương án, chẳng hạn xay đá thành cát, tuy nhiên chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ công trình. Nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, ví dụ có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát. Phát triển giao thông đường thủy, giảm bớt việc xây dựng đường hoặc lưu lượng sử dụng đường; xem xét xây cầu cạn trên đường cao tốc. Ở Trường Đại học Cần Thơ đã áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình; tuy nhiên, sử dụng tro xỉ phải đồng bộ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Ngoài ra, có thể nhập cát ở nơi khác, nhiều nước trên Thế giới đã làm, như Singapore. Phương án này có tốn kém hơn nhưng không phải lo chi phí khác như chi phí khắc phục môi trường, khắc phục sạt lở, công trình sạt lở…

Là người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế ĐBSCL, TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội khác. Không chỉ đơn giản là chúng ta đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông mà ở vấn đề lớn hơn là cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Trong đó, phải xem xét nhu cầu sử dụng, để giảm nhu cầu đó. Việc thay đổi, tạo ra thói quen sử dụng các vật liệu khác và phương pháp xây dựng khác cho các công trình cũng rất quan trọng nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Và cần xem xét, đánh giá các giải pháp mới đề ra không phát sinh các vấn đề khác trong tương lai…

Tại TP. Cần Thơ hiện đang triển khai hàng loạt công trình trọng điểm của thành phố và quốc gia, nhu cầu cát san lấp là rất lớn trong khi nguồn cung cát của thành phố không đủ.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chia sẻ, trên địa bàn thành phố đang đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có một số công trình giao thông quan trọng, khu công nghiệp... Để giải quyết vấn đề thiếu cát sông, giải pháp trước mắt thành phố nhờ sự hỗ trợ cát của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Về lâu dài, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, trong đó có dự án nạo vét luồng Định An - Cần Thơ. Dự án nạo vét sâu và sẽ có lượng cát rất lớn, có thể sử dụng vào các công trình phù hợp.

Ngoài ra, ông Dương Tấn Hiển cho biết, trong Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030 có quy hoạch các hồ điều hòa. Với diện tích các hồ lớn, có thể sử dụng phần đất đào lên để đắp vào các công trình có tính chất san lấp. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu sử dụng giải pháp về mặt kỹ thuật. Đối với các khu công nghiệp, mời các nhà đầu tư tới, ứng dụng việc khép kín theo nước Hà Lan. Giải pháp ở đây là không cần đắp đất cao mà có thể đắp độ thấp hơn và dùng giải pháp kỹ thuật bao quanh, giữ cho không ngập ở khu này…
 
VLXD.org (TH/ Báo Cần Thơ)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.