Sự kiện

Hội thảo “Khai thác cát ngoài khơi bền vững”

25/03/2024 - 08:19 SA

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Quản lý Cơ sở Hạ tầng và Tài nguyên Nước Hà Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Khai thác cát ngoài khơi bền vững”, trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên cát biển.
Theo Cục Địa chất Việt Nam, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng thủy lợi chống xói lở bờ sông - bờ biển. Điều đó đã dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng nói chung và nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng nói riêng tăng lên rất cao. Một số vùng đã xảy ra khan hiếm vật liệu san lấp, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và một số vùng kinh tế ven biển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp khả thi nhằm sớm giải quyết vấn đề cấp bách này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Tăng công suất khai thác cát sông lên 150% và hơn nữa; đánh giá tài nguyên và thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc; phát triển cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, chất thải rắn từ khai thác mỏ); nghiên cứu xây dựng cầu cạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giảm sử dụng vật liệu san lấp… Trong đó, việc đánh giá tài nguyên và nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển đã được Cục Địa chất Việt Nam triển khai trong năm 2023 và thu được nhiều kết quả khả quan. Bộ Giao thông Vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng san lấp nền đường cao tốc, kết quả cho thấy cát biển cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Cục Địa chất Việt Nam nhấn mạnh, xuất phát từ thực tiễn nêu trên, những vấn đề được trao đổi lần này sẽ là những gợi ý quý báu cho ngành Địa chất trong việc đề xuất các giải pháp hiệu quả góp phần khai thác và sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bền vững, hợp lý, tiết kiệm, khai thác theo mô hình kinh tế tuần hoàn để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.


Ông Sander Carpaij, Giám đốc Chương trình Quốc tế về nước và thích ứng khí hậu, Chủ nhiệm Ban Hợp tác Việt Nam - Hà Lan về đồng bằng (Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Tài nguyên nước Hà Lan) cho biết, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ với Việt Nam về chính sách, kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như các giải pháp tài chính. Cụ thể, về khai thác khoáng sản thiết yếu, Hà Lan sẽ phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và các bên liên quan xây dựng danh mục các hoạt động có thể triển khai trong khuôn khổ này. Ngoài ra, có thể mở một dự án chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực khai thác và đánh giá tác động của khai thác cát ngoài khơi giữa Việt Nam và Hà Lan.

Ông Sander Carpaij khẳng định, thời gian tới, Việt Nam và Hà Lan đẩy mạnh hợp tác về khai thác cát ngoài khơi bền vững, quản lý nước ngầm bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường hoạt động của Ủy ban Quốc tế về đồng bằng và ven biển (IPDC) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Đánh giá những thách thức trong khai thác tài nguyên cát ở Đồng bằng sông Cửu Long và lộ trình hướng đến sự bền vững, ông Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển, Cục Địa chất Việt Nam cho rằng, mặc dù có thuận lợi như sự thống nhất về chủ trương của Đảng và Chính phủ, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác quốc tế; tuy nhiên, hiện Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn khai thác và bảo vệ môi trường; hiện trạng năng lực chưa đảm bảo; truyền thông còn hạn chế…

Để giải quyết những thách thức trên, ông Nguyễn Tiến Thành đề xuất các giải pháp như: Tiếp cận, chuyển giao công nghệ khai thác cát ngoài khơi, công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển làm vật liệu xây dựng; quy định đánh giá tác động khai thác cát biển đến môi trường phù hợp quy định quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam cần hoàn thiện và ban hành quy định quản lý về thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển; đẩy mạnh truyền thông về sử dụng cát biển và bảo vệ môi trường...

Dịp này, chuyên gia hai nước Việt Nam - Hà Lan đã trao đổi kinh nghiệm khai thác cát bền vững ngoài khơi, hiện thực hóa hành động bằng cách hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh điều tra, đánh giá và khai thác tài nguyên cát biển ngoài khơi (trên 20 m nước).

VLXD.org (TH/ TTXVN)
 

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.