Tại Hội thảo, ThS. Đào Thái Dũng, Viện Vật liệu xây dựng cho biết, dữ liệu về hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng được tổng hợp, chọn lựa và đưa vào các bảng thống kê của từng tỉnh gồm: tên cơ sở sản xuất; địa chỉ cơ sở sản xuất; loại hình doanh nghiệp; công nghệ sản xuất; công suất thiết kế; sản lượng sản xuất thực tế; chủng loại sản phẩm; môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Dữ liệu về hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng được phân loại, sắp xếp hệ thống hoá và được lưu trữ, cập nhật, khai thác dưới dạng các bảng thống kê các dữ liệu theo địa bàn các tỉnh, thành phố, ở dưới mỗi bảng dữ liệu của từng tỉnh sẽ có chú thích về nguồn dữ liệu sử dụng. Tuy nhiên, nhằm thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và chi tiết hơn với các trường thông tin để hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhóm tác giả bổ sung thêm một số trường dữ liệu. Việc cập nhật thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được tiến hành từ ba nguồn chính: các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tự cập nhật; do các Sở Xây dựng địa phương cập nhật; do Bộ Xây dựng và đơn vị quản lý phần mềm cơ sở dữ liệu.
Theo ThS. Đào Thái Dũng, nhu cầu quản lý hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng và các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng ở nước ta là rất lớn. Do đó, dự án đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống quản lý bằng phần mềm trực tuyến, đảm bảo quản lý thống nhất xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, giám sát việc thực hiện quy hoạch sản xuất và khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng. Kết quả của giải pháp này cũng là sản phẩm thu được áp dụng vào quản lý hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng tại Bộ Xây dựng, do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Đây là phần mềm Cơ sở dữ liệu cho phép quản lý, khai thác, tra cứu thông tin tình hình sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý và khai thác thông tin về các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng trên cả nước, chạy trên Internet để hiển thị, tra cứu và khai thác số liệu.
Tham dự Hội thảo, ông Lê Văn Kế, Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự cần thiết hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời cho biết, hiện nay, theo dự án mới có 5 loại vật liệu được tổ chức hệ thống hóa cơ sở dữ liệu là xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng, vôi công nghiệp. Vì vậy, rất cần bổ sung trường dữ liệu về vật liệu xây truyền thống. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu cần bổ sung trường dữ liệu về sản lượng tiêu thụ các loại vật liệu. Đây là số liệu phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá diễn biến thực tế của thị trường. Ngoài ra, việc cập nhật dữ liệu cần được thực hiện đầy đủ, thường xuyên và liên tục.
Ông Lê Văn Kế đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Viện Vật liệu xây dựng và sự nỗ lực, chuyên nghiệp của các nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Bộ Xây dựng giao, trong đó có nhiệm vụ hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu xây dựng phục vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, ông mong muốn các Sở Xây dựng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng quan tâm, xây dựng quy định cụ thể về việc cập nhật cơ sở dữ liệu đảm bảo chính xác, kịp thời, qua đó góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu xây dựng phục vụ quản lý nhà nước, đồng thời đóng góp ý kiến giúp Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ tin học Việt Nam hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu một số nhóm ngành Vật liệu xây dựng.
VLXD.org (TH/ BXD)