Tin tức

Ngành vật liệu xây dựng năm 2018 – đủ sức vươn mình ra thế giới

30/12/2018 - 05:21 CH

Từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí phải nhập khẩu vật liệu xây dựng từ nước ngoài, nhưng gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu được một số loại vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát..., trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu VLXD mạnh trên thế giới. Năm 2018, ngành vật liệu xây dựng ngày càng vững vàng vươn mình ra thế giới.
Tận dụng cơ hội để vượt lên.

Các chuyên gia đánh giá, theo đà tăng trường của thị trường bất động sản, năm 2018 là năm “được mùa” của ngành vật liệu xây dựng. Theo đó, ngành vật liệu xây dựng nước ta đã đủ sức để cạnh tranh với thị trường nhập khẩu và vươn ra thế giới về cả sản lượng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Dự báo trong thời gian tới, vật liệu xanh sẽ lên ngôi và thu hút các nhà đầu tư có xu hướng phát triển công trình xanh.

Đánh giá về tình hình hình sản xuất tiêu thụ vật liệu xây dựng năm 2018 và dự báo năm 2019, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, năm 2018, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục có sự phát triển, tất cả các chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số loại sản phẩm giữ vai trò chủ đạo đã có sự tăng trưởng tốt như xi măng, kính xây dựng…

Đồng tình với nhận định trên, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Sản xuất tốt, xuất khẩu tốt. Nói tóm lại năm 2018 là một năm được mùa của ngành vật liệu xây dựng”.

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng, clinker Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành xi măng, lên mức 1,3 tỷ USD. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng lũy kế trong 11 tháng đầu năm đạt mức 29,4 triệu tấn, vượt từ 10 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu cả năm 2018. Ba thị trường xuất khẩu chính của xi măng Việt Nam là Trung Quốc, Banglandesh và Philippines.

Trong 11 tháng đầu năm, sản lượng xi măng toàn ngành đã đạt trên 88,5 triệu tấn; vượt xa so với kkees hoạch; trong đó tiêu thụ nội địa 59 triệu tấn; xuất khẩu 29,4 triệu tấn. Dự báo 2018, tổng sản lượng xi măng có thể đạt trên 95 triệu tấn.

Theo Global Cement, tính đến tháng 12 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về công suất lắp đặt sản xuất xi măng, tương đương với 148 triệu tấn mỗi năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tương tự như sản phẩm xi măng, năm 2018, sản suất thép cũng tăng trưởng mạnh và ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa, tiêu thụ nội địa đã tăng 27% và tỷ lệ tiêu thụ chiếm hơn 80%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất đạt 17.645.918 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2017. Lượng hàng bán ra đạt  15.948.879 tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 3.447.404 tấn, tăng 31,5%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc xuất khẩu xi măng vượt kế hoạch đề ra và sản xuất thép tăng là do nền kinh tế trong nước được duy trì ổn định, đảm bảo sức sản xuất. Mặt khác, Trung quốc từ một nước xuất khẩu xi măng, đã nhanh chóng cắt giảm sản lượng, và điều này là cơ hội cho các nhà sản xuất xi măng VN. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản đã được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt trong tăng trưởng của ngành.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Trong sản xuất xi măng, nhờ cải tiến công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại, mà có thể pha được phụ gia, chất độn với tỉ lệ cao. Trước đây, quá trình nghiền ra xi măng thông thường chỉ pha được 20%, bây giờ đã có thể pha được 35 -40%, thậm chí lên tới 45%. Tỉ lệ đá vôi, xác núi giảm đi rất nhiều, giảm lượng tài nguyên khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các nhà máy xi măng đã lắp đặt hệ thống khí thải nhiệt dư, có thể hồi lưu tận dụng nhiệt từ khí thải để phát điện, phục vụ nhu cầu của chính nhà máy, giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải ra môi trường.
 

Ngành sản xuất vật liệu xây không nung cũng có những bước đột phá. VN đã có những chính sách hạn chế gạch nung và phát triển vật liệu xây không nung. Năm 2018 cũng là năm ngành sản xuất gạch bê tông tăng nhanh sản lượng rộng khắp trên cả nước, bước đầu đã đi vào các công trình đầu tư công và dần được người dân tin tưởng, sử dụng.
 
Vững càng trong cạnh tranh.

Tại Hội nghị Toàn quốc về Vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vật liệu xây dựng trong nước đã có sự phát triển phong phú về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Nhiều thương hiệu vật liệu xây dựng trong nước đã có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài như Viglacera, Vicem, Erowindow, Secoin, Đồng Tâm,…

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh, không còn lo sợ trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và ưa chuộng vật liệu xây dựng nội địa.

Khảo sát gạch lát nền tại Hà Nội vào dịp cuối năm 2018, gạch lát có giá rẻ nhất thị trường là hàng Trung Quốc với mức giá 160.000 - 180.000 đồng/m2, gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia có giá 400.000 đồng/m2, Tây Ban Nha từ 600.000 – 1,1 triệu đồng/m2 và hàng nội địa có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/m2. Như vậy, giá của hàng nội địa cũng hết sức cạnh tranh với những thị trường nhập khác khi nằm ở mức trung bình. Tuy các sản phẩm của Trung Quốc có mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá thành rẻ nhất thị trường nhưng hiện nay không được thị trường ưa chuộng vì chất lượng thấp làm giảm niềm tin đối với khách hàng.
 
 
Tuy nhiên, việc phát triển và tăng trưởng nhanh cũng báo động ngành vật liệu xây dựng trước tình trạng cung vượt quá cầu, nhất là đối với ngành sản xuất xi măng. Theo đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời về hoạt động sản xuất. Nếu cần thiết phải giảm nguồn cung để tránh bị ép giá trong thời gian tới. Đặc biệt điều này cần tới vai trò cảnh báo, điều tiết của nhà nước và các Hội, Hiệp hội ngành nghề.
 
Hướng tới Vật liệu xanh, bền vững.

Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng cho biết, sản xuất và sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, là xu hướng phát triển tất yếu của ngành vật liệu xây dựng. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển các vật liệu xây dựng mới là giới thiệu, phổ biến, quảng bá về công nghệ sản xuất và tính năng tác dụng của vật liệu đến các nhà đầu tư sản xuất và người sử dụng.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất VLXD tại VN đang nắm bắt xu thế này. Nhưng ngành tiêu thụ lớn tài nguyên, năng lượng và phát thải lớn như xi măng, thép… cũng đang có điều chỉnh mạnh mẽ để bảo vệ môi trường. Xu hướng kiểm toán và quản trị năng lượng trong sản xuất đang từng bước triển khai. Và các nhà sản xuất cũng nhận thức được, tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như sản xuất kính xây dựng, sư vệ sinh, gạch ốp lát, tấm lợp, chiếu sáng… cũng không năm ngoài xu thế này.

Gạch không nung đang dần thay thế gạch nung.

Phát triển vật liệu xây dựng xanh không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn là xu hướng của cả thế giới trong năm 2019. Trong diễn biến của tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu thì nhu cầu sống trong những công trình xanh và sản xuất vật liệu xanh tất yếu sẽ tăng lên. Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ  30 - 40% vào năm 2020 cũng đã được Chính phủ ký quyết định phê duyệt.
 


Xu thế thế giới hướng về công trình xanh thì ngành sản xuất VN cũng phải tập trung vào vật liệu xanh. Vật liệu xanh tất yếu sẽ được ứng dụng mạnh và phát triển, ví dụ như tấm acotech, thạch cao, tấm ACE, những loại gạch không nung, tiết kiệm năng lượng...

Nhìn trước vấn đề này, năm 2014, TTCP đã có Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón làm VLXD. Tại Hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 9-2017, các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia đã đánh giá, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những ngành sản xuất như: Sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình giao thông, san lấp mặt bằng...

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới các nhà đầu tư  BĐS sẽ tiếp tục xu hướng đầu tư và phát triển hệ thống công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường. Bởi đầu tư cho công trình xanh giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản lớn trong quá trình vận hành như: hệ thống gió tự nhiên giảm công suất tiêu thụ của điều hòa, vách ngăn kính lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên vào chiếu sáng trong tòa nhà, giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đèn điện. Đây cũng được cho là giải pháp tối ưu để phát triển đô thị hiện đại một cách bền vững. Các sản phẩm xốp cách nhiệt, tôn lợp sinh thái, gỗ ốp trường xanh, xi măng xanh, bê tông nhẹ, gạch không nung, gạch ốp lát tái chế… đã và sẽ được ưa chuộng trên thị trường trong thời gian tới.

Cảnh báo từ các chuyên gia.

Tuy vậy, ngành VLXD cũng đối mặt với không ít các thách thức trước những biến động khôn lường của thị trường toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến phức tạp. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức tùy theo nhận thức và cách ứng xử của VN.

Một số nền kinh tế (như Trung quốc) đã cắt giảm mạnh sản lượng các ngành sản xuất khai thác tài nguyên thô, không tái tạo, hướng đến sản phẩm tinh, có hàm lượng công nghệ cao. VN có cơ hội trong một số lĩnh vực đang sử dụng tài nguyên khai khoáng, nhưng cũng có thể trở thành bãi rác công nghệ, thiết bị thải loại.

Các doanh nghiệp cần điều tra nghiên cứu thị trường, có đủ thông tin, để có thể ứng phó với những biến động trong tiêu thụ sản phẩm; tránh việc phụ thuộc quá lớn vào một vùng thị trường.

Trước xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt cả nội địa và quốc tế, các nhà sản xuất không còn cách nào khác, là phải áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; phương pháp quản trị mới, tiến bộ, hiệu quả để cắt giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên cho đất nước.
 
Vlxd.org (TH/BĐS)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.