Kinh doanh - Đầu tư

Thực trạng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

31/12/2019 - 09:15 SA

Những năm qua, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh. Nhiều dự án sản xuất vật liệu có quy mô lớn được đầu tư, như: xi măng, vôi công nghiệp, gạch gốm ốp lát..., đã đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cả về chất lượng và số lượng cho những công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, có xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh và tham gia xuất khẩu (như xi măng, clinker, đá ốp lát tự nhiên).
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay, tổng giá trị sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng/năm. Ngoài ra, đã có thêm các loại sản phẩm mới được đầu tư, như: Cát nghiền từ đá để thay thế cát tự nhiên ngày một khan hiếm; gạch không nung (sản phẩm thân thiện với môi trường) đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm tin dùng; cát nhiễm mặn được tuyển rửa, chế biến thay thế cát nước ngọt trong công trình xây dựng. Việc đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các dự án sản xuất VLXD căn cứ trên các quy hoạch đã được phê duyệt, như: Dự án thăm dò, khai thác đá, cát, đất làm VLXD; các dự án sản xuất, kinh doanh VLXD, như: Gạch không nung, gạch nung tuynel, gạch ốp lát, xi măng, cát nghiền... Thời gian qua, sở cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có nhiều đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD, đa dạng về sản phẩm VLXD. Trong đó, sản xuất xi măng 4 đơn vị, tổng công suất 14,92 triệu tấn/năm; gạch tuynel 42 đơn vị, tổng công suất hơn 999 triệu viên/năm; gạch không nung 41 đơn vị, tổng công suất 428 triệu viên/năm; gạch ốp lát 2 đơn vị, tổng công suất 428 triệu viên; tấm lợp fibro xi măng 2 đơn vị, tổng công suất 2,1 triệu m2; đá ốp lát 131 đơn vị, tổng công suất 25,2 triệu m2; vôi công nghiệp 1 đơn vị, tổng công suất 86,65 nghìn tấn; cát nghiền 9 đơn vị, tổng công suất 320 nghìn m3; đá xây dựng 223 đơn vị, tổng công suất 10,35 triệu m3 và cát xây dựng 40 đơn vị, tổng công suất 0,8 triệu m3.


Công nhân Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn trong ca sản xuất.

Trong quá trình phát triển, cho thấy: Nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đòi hỏi ngày càng cao về số lượng cũng như chất lượng; các doanh nghiệp sản xuất VLXD phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Một số dự án sản xuất VLXD phát huy hết công suất, như: Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Long Sơn, Xi măng Nghi Sơn...; số lượng và chất lượng các sản phẩm VLXD đã đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Xây dựng, cho thấy: Một số sản phẩm chính so với quy hoạch phát triển vật liệu, về gạch nung tuynel đã có 2/3 số đơn vị sản xuất lò vòng chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel (theo quy hoạch sẽ chuyển sang lò tuynel xong trong năm 2020). Nhưng việc thực hiện đầu tư các dự án gạch tuynel công nghệ cao tại các huyện miền núi, mới đầu tư được 1 dự án tại huyện Như Xuân (theo quy hoạch còn 6 huyện miền núi chưa thực hiện đầu tư). Về vật liệu xây không nung, tổng công suất vật liệu xây không nung đạt 939 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm (theo quy hoạch đến năm 2020 là 1.187 triệu viên); nhưng hiện do nhu cầu sử dụng sản phẩm này hạn chế, nên chưa thể cán mốc theo số liệu quy hoạch. Đá xây dựng, năm 2019 sản xuất, tiêu thụ khoảng 10,35 triệu m3/năm (theo quy hoạch đến năm 2020 sử dụng khoảng 19,3 triệu m3) và nhu cầu sử dụng chưa vượt số liệu quy hoạch, vẫn bảo đảm đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Cát xây dựng, khai thác cát tự nhiên khoảng 0,8 triệu m3/năm; sản xuất cát nghiền khoảng 0,32 triệu m3/năm và chưa đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu xây dựng địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Sở Xây dựng, những loại vật liệu sẽ khan hiếm trong thời gian tới, như: Cát xây dựng (cát tự nhiên tại các mỏ ở sông, suối, hồ thủy lợi). Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018, trong đó quy hoạch 99 mỏ cát làm vật liệu công trình với trữ lượng khoảng 10 triệu m3; trữ lượng bồi lắng hàng năm khoảng 8-10%. Theo tính toán của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát công trình (cát bê tông và vữa) hàng năm khoảng 3 triệu m3, vì vậy nếu chỉ khai thác cát tự nhiên (cát ngọt) trong vòng 5 - 7 năm sẽ cạn kiệt. Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 26/8/2014 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 41 dự án sản xuất VLXD không nung và 12 dự án đang đầu tư với tổng công suất thiết kế khoảng 1,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm (tương đương 44% tổng lượng gạch xây toàn tỉnh).

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, cho biết: Đi đôi với quản lý, thì việc phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tính bền vững, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, sản xuất VLXD không làm ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng xã hội, di tích lịch sử văn hóa và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tập trung phát triển một số chủng loại VLXD của tỉnh có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, từng bước loại bỏ cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất VLXD mới phải gắn với vùng nguyên liệu, điều kiện cơ sở hạ tầng. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển VLXD. Khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất VLXD. Sắp xếp các cơ sở sản xuất thủ công, hình thành các cơ sở sản xuất có quy mô công nghiệp để có điều kiện đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXD và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên cho việc đầu tư nghiên cứu các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất VLXD. Đi đôi với đó, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD. Đồng thời, khuyến khích phát triển các vật liệu mới, sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp, thân thiện với môi trường; áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, ứng dụng có hiệu quả Đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh” và khuyến khích sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong các công trình xây dựng.

VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.