Kinh doanh - Đầu tư

Quý I: Chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,17%

31/03/2023 - 10:38 SA

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I năm 2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính do giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.


Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước như, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu Thế giới.
 

So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%. 
 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá và 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước. Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng ở vị trí đầu tiên trong 5 nhóm hàng tăng giá, với mức tăng là tăng 0,36% chủ yếu do giá giá thuê nhà tăng 0,19%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,97%; giá điện sinh hoạt tăng 0,48%; giá nước sinh hoạt tăng 2,73%... Đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% ; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
 

Còn lại 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, làm kìm đà tăng CPI trong tháng Ba gồm có: Nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71% (tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58% (tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm); Nhóm giao thông giảm 0,16%; Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% ; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02%.
 

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng là một trong số nguyên nhân chủ yếu góp phần tăng CPI bình quân quý I  năm nay lên 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I năm 2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
 

Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% (tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm); Học phí giáo dục tăng 10,13% (tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm; Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% (tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm; Giá điện sinh hoạt tăng 2,71% (tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm) ; Giá gạo trong nước tăng 2,24% (tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm).
 

Ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I/2023 như, giá xăng dầu bình quân quý I năm 2023, trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới (tác động làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm); Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới (tác động làm CPI giảm 0,03 điểm phần trăm); Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm (tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm).
 

Tính trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I-2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liêu, nhiên liệu, vât liệu dùng cho sản xuất quý I/2023 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022.
 

Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,69% và tăng 4,86%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,47% và tăng 4,05%; dùng cho xây dựng tăng 1,08% và tăng 3,77%.
 

Nhìn chung, trong quý I năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường thế giới chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga - Ucraina.
 

Đồng thời, nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nên lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn ở mức cao. Trong nước, nhu cầu sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán và giá nguyên liệu đầu vào tăng đã đẩy giá sản xuất tăng lên.
 

Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường Thế giới.

 

VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.