Kinh doanh - Đầu tư

Ngành gỗ thiết lập các kênh bán hàng mới hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD

23/07/2021 - 02:49 CH

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vẫn đạt con số ấn tượng, 8,71 tỷ USD. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng nhờ vào sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc thiết lập các kênh bán hàng mới.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD.  Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Các doanh nghiệp ngành gỗ đã tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường để bứt phá tăng trưởng tốt. Từ việc xác định nhu cầu của thị trường tăng cao, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản đến đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, các hình thức thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến cũng như qua các trang mạng xã hội… đã giúp ngành gỗ tận dụng được rất nhiều cơ hội trong thời gian vừa qua.

Dù trong bối cảnh nền kinh tế Thế giới và kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, ngành gỗ nói riêng có sự ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu.

Thị trường đồ gỗ Thế giới rất lớn, thị phần của Việt Nam cũng chỉ mới chiếm 6 - 7% nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất cố gắng, có sự sáng tạo, chủ động tìm kiếm mặt hàng, đổi mới phương thức bán hàng.

Nguồn nguyên liệu trong nước đã bắt đầu dần ổn định. Tỉ trọng nguồn nguyên liệu trong nước đóng góp vào trị giá xuất khẩu từng bước được nâng lên. Các doanh nghiệp cũng từng bước tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU rất ấn tượng, tăng trưởng trên 54% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, 2020, thị trường EU không có sự tăng trưởng cao, có những thời điểm còn tăng trưởng âm. Tuy nhiên, qua số liệu 6 tháng đầu năm nay, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với giá trị ấn tượng. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam đã tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Đứng trước tác động của đại dịch Covid-19, việc quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành gỗ đã được quan tâm và đổi mới rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng rất sáng tạo trong chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu hoạt động; thiết lập được những kênh bán hàng rất mới.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao 2 con số, Việt Nam liên tục nằm trong top đầu thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Định hướng xuất khẩu của ngành chế biến lâm sản thời gian tới là làm sao gia tăng giá trị thặng dư dựa trên nền tảng thiết kế thương hiệu sản phẩm thay vì chỉ là giá trị sản xuất hiện nay.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng tới mục tiêu xuất khẩu khoảng trên 15 tỷ USD trong năm nay, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp đang được giao xây dựng Nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Trong đó, có xác định một số cơ chế, chính sách cho ngành chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ tiếp tục nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời, tham mưu Bộ, báo cáo Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ cũng như các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

VLXD.org (TH/ Chính phủ)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.