Kinh doanh - Đầu tư

Ngành gạch men ốp lát chủ động tránh nguy cơ kiện phòng vệ thương mại

26/01/2022 - 08:15 SA

Với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, cơ hội để ngành gạch men ốp lát phát triển, tăng trưởng xuất khẩu là rất lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng sẽ đối diện nhiều hơn các nguy cơ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ các thị trường.
Áp lực lớn

Hơn 25 năm qua, ngành gạch men ốp lát Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với công suất sản xuất 750 triệu m2/năm; cung ứng cho thị trường nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, ngành gạch men ốp lát còn xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường lớn như ASEAN, Mỹ, Cu Ba…

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho hay, việc xuất khẩu ra thế giới là bước tiến lớn của ngành gạch men ốp lát Việt Nam trong thời gian qua. Mặc dù vậy, song hành với tăng trưởng xuất khẩu, mặt hàng này đã và đang đối diện với thách thức lớn trước các biện pháp PVTM từ các thị trường xuất khẩu. Liên tiếp gần đây, gạch men ốp lát đã bị nhiều thị trường xuất khẩu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM, như Philippines, Malaysia. Đặc biệt, năm 2020, Đài Loan (Trung Quốc) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với gạch men ốp lát xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.


Chủ động ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra PVTM sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất gạch men mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo đại diện Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, việc bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với gạch men ốp lát là điều mà ngành này xác định trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế. Tuy nhiên, PVTM là vấn đề mới, kinh nghiệm ứng phó của doanh nghiệp (DN) còn ít, nên trong nhiều vụ việc DN, ngành sản xuất gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Công ty Mikado là đơn vị cung cấp những sản phẩm gốm sứ xây dựng chất lượng cao đến người tiêu dùng, đến nay đơn vị này đã trải qua không ít các vụ việc điều tra về PVTM. Bà Bùi Thị Hạnh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Mikado - cho hay, khi Đài Loan (Trung Quốc) tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với gạch men ốp lát của Việt Nam, nhiều DN trong ngành, trong đó có Mikado thật sự rất lo ngại, bởi khi các vụ việc điều tra tiến hành sẽ khiến cho đơn hàng của DN giảm sút; không những thế, nếu bị áp thuế PVTM thì nguy cơ lớn hơn là mất thị trường. “Ngay khi nhận thông báo điều tra, DN không biết ứng phó như thế nào. Thực tế này do DN thiếu nhân sự am hiểu về PVTM, nguồn lực tài chính để theo đuổi vụ kiện hạn chế; cộng thêm các rào cản về thị trường, ngôn ngữ, cách thức liên lạc với cơ quan điều tra... khiến DN rối bời” - bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, sau những lo lắng ban đầu, ông Đinh Quang Huy cho biết, với sự trợ giúp, hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương và chính sự chủ động, hợp tác tích cực của ngành, DN, các vụ việc điều tra PVTM đối với gạch men ốp lát xuất khẩu hầu hết đã có kết quả rất tích cực; các thị trường đều áp thuế ở mức thấp, thậm chí là 0% đối với gạch ốp lát Việt Nam. Như, ngày 9/4/2021, Cơ quan quản lý tài chính Đài Loan (MOF) đã ban hành kết quả sơ bộ vụ việc, theo đó, biên độ phá giá của các DN Việt Nam được xác định ở mức 0% - 28,60%.

Chủ động phòng tránh

Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế, cơ hội phát triển, tăng trưởng xuất khẩu của gạch men ốp lát là rất lớn. Ông Đinh Quang Huy cho rằng, với tiềm năng của ngành, công suất sản xuất không chỉ dừng lại ở 750 triệu m2/năm mà con số này còn có thể cao hơn bởi chúng ta đang có nhiều công ty, DN có tốc độ phát triển mạnh mẽ. “Chúng ta có nguyên liệu dồi dào, các DN gạch men ốp lát không ngừng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, ngang bằng với các nước trong khu vực, tiệm cận với công nghệ của một số nước châu Âu; đội ngũ lao động có tay nghề”- ông Huy nhìn nhận.

Tuy vậy, trong xu thế bảo hộ gia tăng, để phòng tránh các vụ kiện PVTM từ thị trường xuất khẩu, ngành gạch men ốp lát phải chủ động ứng phó hiệu quả, tự tin cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng, Cục PVTM nêu rõ, cùng quá trình hội nhập thì tính cạnh tranh, bảo hộ gia tăng nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, với bối cảnh dịch Covid-19, các nước tập trung tăng cường hỗ trợ một số ngành sản xuất trong nước, gia tăng các biện pháp PVTM đối với các mặt hàng chiến lược như sắt thép, phân bón. Do đó, các DN các ngành sản xuất xuất khẩu cần coi công cụ, biện pháp bảo vệ thương mại là yếu tố tất yếu trong môi trường kinh doanh. Từ nhận thức đó chúng ta sẽ đề ra được các chiến lược ứng phó hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tế của DN, bà Bùi Thị Hạnh cũng chia sẻ thêm rằng, DN khi vướng vào các vụ kiện cần chuẩn bị tâm thế tích cực. Trong đó, cần chuẩn bị nguồn nhân sự có kiến thức về PVTM; có sự chuẩn bị hồ sơ chi tiết để đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra; thông qua cơ quan quản lý, cân nhắc lựa chọn công ty luật để tư vấn, tốt nhất là có đại diện ở Việt Nam để thuận lợi cho quá trình trao đổi. Ngoài ra, “DN cần sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin, kết nối các nhà sản xuất, kết nối cơ quan điều tra, các công ty luật cho DN. Khi được hỗ trợ của cơ quan chức năng, DN sẽ tự tin hơn để thành công trong các vụ kiện”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Trước xu thế bảo hộ gia tăng, để tránh các rủi ro về xuất khẩu cho DN, với chức năng quản lý Nhà nước, để giúp DN mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, bà Đặng Thị Thanh Phương - Phó trưởng phòng Đông Bắc Á - Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, Bộ Công Thương đã và đang chú trọng thông tin thị trường giúp DN tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tiếp cận các thị trường. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các đơn vị của Bộ đã rất nỗ lực tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến; xây dựng gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử của một số thị trường...

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống cảnh bảo sớm, mạng lưới thương vụ, Bộ Công Thương đã và đang tăng cường thực hiện công tác cảnh báo các nguy cơ kiện PVTM cho DN, cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu thông tin khả năng áp dụng biện pháp PVTM một cách kịp thời. Tới đây, bà Phạm Châu Giang cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cảnh báo nhiều thị trường, ngành hàng. “Bởi, cảnh báo sớm về các nguy cơ kiện PVTM là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó thành công trước các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM từ nước ngoài”, bà Giang khẳng định.

Thời gian tới, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng do Việt Nam đang tham gia nhiều FTA, tuy nhiều điều này đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến xuất hiện nhiều hơn các biện pháp PVTM đối với xuất khẩu. Vì vậy, nhằm tránh các bất lợi khi áp thuế PVTM, cơ quan quản lý cũng rất cần tiếp tục nhận được hợp tác tích cực hơn từ phía DN, hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ các khó khăn.

VLXD.org (TH/ Công thương)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.