Kinh doanh - Đầu tư

Lào Cai: Nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng

17/03/2023 - 10:01 SA

Nhiều mỏ khai thác cát, đá, sỏi đã hết hạn khai thác, đóng cửa mỏ, trong khi đó, nhiều vị trí được các địa phương đề xuất khai thác chưa phù hợp với quy hoạch nên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều này gây khó khăn đến nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Anh Lê Minh Sơn, đại diện một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Si Ma Cai cho biết, dù Si Ma Cai nhìn đâu cũng thấy đá nhưng lại không có mỏ đá xây dựng nào, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn đá phục vụ xây dựng.

Các doanh nghiệp đang thi công một số công trình, dự án xây dựng tại huyện Bắc Hà cũng bày tỏ lo lắng khi nhu cầu cát, đá xây dựng trên địa bàn lớn, trong khi chỉ có 1 mỏ đá còn hoạt động. Nguồn cung không đủ, các doanh nghiệp phải lấy đá từ mỏ Bản Cầm, vận chuyển xa, tốn thêm chi phí vào tiền cước vận chuyển.

Ngay tại huyện Bảo Thắng, trước đây có 38 điểm mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 18/38 mỏ đá, thì nay, hoạt động khai thác cũng thu hẹp, chỉ còn 2 mỏ đá tại Bản Cầm còn hoạt động.
 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 9 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; phê duyệt trữ lượng đối với 2 mỏ khoáng sản, cụ thể: Cấp 5 giấy phép mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (2 giấy phép thăm dò, 3 giấy phép khai thác); cấp 3 giấy phép mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường (1 giấy phép thăm dò, 2 giấy phép khai thác); cấp 1 giấy phép khai thác đất sét làm gạch tuynel.

Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 91 giấy phép hoạt động khoáng sản đang còn hiệu lực của 71 tổ chức, cá nhân, trong đó UBND tỉnh cấp 57 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 2 giấy phép thăm dò (1 giấy phép thăm dò đá, 1 giấy phép thăm dò cát); 54 giấy phép khai thác (trong đó có 23 giấy phép khai thác đá xây dựng, 23 giấy phép khai thác cát).

Việc nhiều mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã hết hạn khai thác, phải dừng hoạt động, một số vị trí mới được chính quyền địa phương, đơn vị khai thác đề xuất nhưng chưa đủ điều kiện để cấp có thẩm quyền phê duyệt là nguyên nhân khiến việc đáp ứng nhu cầu vật liệu ở một số địa phương gặp khó khăn.

Lý giải về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đa số các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường khi UBND cấp huyện và doanh nghiệp trình đề nghị bổ sung vào kế hoạch đấu giá là các mỏ mới và cơ bản chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, khi UBND cấp huyện hoặc doanh nghiệp đề xuất không xác định được các khu vực dự kiến làm khu tập kết sản phẩm, bãi đổ thải, các công trình khu vực phụ trợ khác và nếu có cũng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc các mỏ đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời gây khó khăn, mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan để cấp giấy phép thăm dò, khai thác sau khi trúng đấu giá.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, qua nắm tình hình, nhu cầu đấu giá các mỏ không nhiều, nên việc lựa chọn các mỏ đưa vào kế hoạch đấu giá gặp khó khăn. Một số trường hợp đã phê duyệt mỏ vào kế hoạch đấu giá, bán hồ sơ nhiều lần nhưng không có tổ chức, cá nhân mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Các mỏ cát, sỏi hiện nay có trữ lượng cát, sỏi không lớn. Ngoài ra, do đa số khu vực có cát, sỏi thuộc các sông, suối trên địa bàn tỉnh nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện (thuộc đất quy hoạch cho năng lượng, không thuộc quy hoạch đất cho hoạt động khoáng sản). Bên cạnh đó, việc xác định bước giá, giá khởi điểm gặp khó khăn do các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đều chưa có tài liệu thăm dò.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi đề xuất trình các mỏ khoáng sản vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cần xác định cụ thể về ranh giới, phạm vi diện tích bao gồm cả khu vực mỏ (khu khai thác) và khu vực phụ trợ (bãi tập kết sản phẩm sau khai thác, khu chế biến, khu văn phòng, nhà ở công nhân, khu bãi đổ thải,…) đảm bảo cảnh quan, môi trường, không thuộc khu vực cấm, không thuộc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản…

Đồng thời, phải phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần thực hiện các thủ tục trình điều chỉnh, bổ sung theo quy định…

VLXD.org (TH/ Báo Lào Cai)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.