Kinh doanh - Đầu tư

World Bank: Rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2015 là rất lớn

14/01/2015 - 03:04 CH

Đó là đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa công bố hôm nay.
>> Dự báo bức tranh kinh tế VN sẽ khởi sắc trong năm 2015

Theo đó, tiếp sau năm 2014 - một năm đáng thất vọng, năm nay tăng trưởng ở các nước đang phát triển sẽ tăng nhẹ, một phần là do giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn, lãi suất toàn cầu tiếp tục ở mức thấp, và ít rào cản tăng trưởng hơn ở một số thị trường lớn thuộc khu vực mới nổi.

Sau khi tăng trưởng ước đạt 2,6% năm 2014, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự đạt 3% năm nay, 3,3% trong năm 2016 và 3,2% trong năm 2017 [1], theo dự báo hai lần một năm của Ngân hàng Thế giới. Năm 2014, các nước đang phát triển tăng trưởng trung bình 4,4%, dự báo sẽ tăng 4,8% năm 2015, tăng trưởng mạnh lên 5,3% và 5,4% cho các năm 2016 và 2017.

Ẩn đằng sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và chính sách tiền tệ đang phù hợp. Nhưng ở Khu vực Châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa tạo được tiếng vang rõ rệt  khi tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn dai dẳng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ trải qua cuộc suy giảm tăng trưởng kinh tế có kiểm soát thận trọng, tăng trưởng tuy giảm xuống nhưng vẫn ở mức khá cao là 7,1% trong năm nay (năm 2014 là 7,4%), 7% năm 2016 và 6,9% năm 2017. Và sẽ có người thắng kẻ thua khi giá dầu giảm mạnh.


Năm 2015: tủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là rất lớn - Theo WB

Rủi ro của viễn cảnh kinh tế thế giới vẫn nghiêng về phần bất lợi do sự chi phối của bốn yếu tố sau: Yếu tố đầu tiên là thương mại toàn cầu  đang yếu đi. Yếu tố thứ hai là khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được. Yếu tố thứ ba là mức độ giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu. Yếu tố thứ tư là nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở Khu vực châu Âu hay Nhật Bản.

Nhờ vào thị trường lao động đang dần phục hồi, ngân sách ít bị thắt chặt hơn, giá cả hàng hóa hợp lý, và chi phí tài chính ở mức thấp, tăng trưởng ở nhóm các nước thu nhập cao theo dự tính tăng nhẹ đến khoảng 2,2% năm nay (từ mức 1,8% năm 2014) và tăng thêm khoảng 2,3% giai đoạn 2016-2017. Năm 2015, tăng trưởng ở Mỹ theo dự tính tăng lên 3,2% (so với 2.4% năm ngoái), trước khi giảm nhẹ xuống còn 3% và 2,4% năm 2016 và 2017 tương ứng. Ở Khu vực Châu Âu, tình trạng lạm phát thấp đáng lo ngại cho thấy nó tiếp tục kéo dài.  Khu vực châu Âu được dự báo là tăng trưởng chậm chạp trong năm 2015 ở mức 1,1% (0,8% năm 2014), tăng lên 1,6% giai đoạn 2016 - 2017. Ở Nhật Bản, tăng trưởng sẽ lên đến 1,2% năm 2015 (năm 2014 chỉ đạt mức 0,2%), và 1,6% năm 2016.

Năm 2015, dòng chảy thương mại vẫn không hoạt động hiệu quả. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại toàn cầu trở nên trì  trệ, tăng trưởng năm 2013 và 2014 chỉ đạt dưới 4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 7% hàng năm của thời kỳ tiền khủng hoảng. Phân tích trong báo cáo đã chỉ ra rằng suy thoái kinh tế một phần là do nhu cầu giảm và do độ nhạy của thương mại thế giới có vẻ không theo kịp những thay đổi của hoạt động toàn cầu. Thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và sự dịch chuyển của nhu cầu nhập khẩu có lẽ đã góp phần làm giảm độ nhạy của thương mại trước sự tăng trưởng.

Giá cả hàng hóa theo dự đoán tăng không đáng kể trong năm 2015. Theo một chương trong báo cáo, giá dầu giảm mạnh bất thường trong 6 tháng cuối năm 2014 có thể đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển xuất khẩu dầu.

Trong số các nước lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình hưởng lợi từ giá dầu thấp là Ấn Độ. Năm 2015, tăng trưởng của nước này dự tính lên đến 6,4% (từ mốc 5,6% năm 2014), tăng đến 7% giai đoạn 2016-2017. ở Braxin, Inđônêxia, Nam Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sự sụt giảm giá dầu giúp giảm lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai, một nguyên nhân chính của tình trạng dễ bị tổn thương ở nhiều nước trong nhóm thu nhập thấp.

Tuy nhiên, duy trì giá dầu thấp sẽ làm suy yếu hoạt động tại các nước xuất khẩu. Ví dụ, tăng trưởng kinh tế Nga được dự báo âm 2,9% năm 2015, và năm 2016 hầu như không tăng trưởng với mức tăng 0,1%.

Ngược lại với nhóm các nước thu nhập trung bình, nhăm 2014, hoạt động kinh tế ở nhóm các nước thu nhập thấp được đẩy mạnh do tăng đầu tư công, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhiều thành tựu khả quan, và có dòng vốn đáng kể. Vào giai đoạn 2015-2017, tăng trưởng ở các nước có thu nhập thấp theo dự tính vẫn ở mức cao là 6% trong khi đó việc điều tiết giá dầu và các hàng hóa khác sẽ kìm hãm sự tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp xuất khẩu hàng hóa.

"Rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Các nước có khung chính sách tương đối tin cậy hơn và có nhà nước theo hướng cải cách sẽ ở vị thế tốt hơn trong việc vượt qua thách thức của năm 2015," kết luận của ông Franziska Ohnsorge, Tác giả chính của báo cáo.

VLXD.org (TH/Nguồn: ANTT)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.