Quy định pháp luật

Dự thảo Luật xây dựng sửa đổi: Đảm bảo quản lý và phát triển bền vững cho công trình xây dựng

23/04/2013 - 04:31 CH

Hội thảo về Luật Xây dựng sửa đổi diễn ra vào ngày 22/4 tại TP.HCM đo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh chủ trì với sự tham dự của các đại biểu thuộc các sở Xây dựng, Đầu tư, tài chính và cán bộ các Ban quản lý các dự án từ Đà Nẵng trở vào tham dự.



Phần đông các ý kiến thảo luận nhất trí là cần thiết phải sửa đổi Luật Xây dựng năm 2003 cho phù hợp với tình hình chung của đất nước hiện nay. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng: “Vào thời điểm Luật Xây dựng được ban hành đã tạo ra khuôn khổ và khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư xây dựng của các tổ chức hoặc cá nhân khi các luật liên quan cơ bản khác chưa được ban hành đã đi vào cuộc sống tạo điều kiện thuận lợi hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Qua đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cũng được tăng cường, bước đầu đã đi vào nề nếp, ý thức chấp hành của các chủ thể đã được nâng cao, trật tự xây dựng đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng phát triển quá nhanh nên một số điều chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, vai trò quản lý của nhà nước trong các công rình xây dựng chưa được coi trọng đúng mức, quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ dẫn đến tiến độ chưa đảm bảo, chất lượng thấp…”.


Nhằm tránh chồng chéo giữa các Luật, ông Tuyến đề nghị trong Luật Xây dựng sửa đổi lần này cần bỏ chương II có liên quan đến quy hoạch xây dựng vì Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã có quy định cụ thể và chi tiết đối với công tác lập thẩm định phê duyệt và quản lý các đồ án quy hoạch. Đối với công trình nhà nước thì để chủ đầu tư chịu trách nhiệm còn công trình tư nhân thì để nguyên như luật cũ. Nên áp dụng chung cho các công trình được cấp phép trừ các công trình liên quan đến an ninh bí mật quốc gia…

Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở xây dựng Đồng Nai thì lưu ý rằng trong Luật xây dựng sửa đổi cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân liên quan đến công trình xây dựng như: vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư gắn với nguồn vốn, các hình thức đầu tư BOT hay BT, vốn ngoài ngân sách, người quyết định đầu tư, cấp đầu tư; vai trò trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong xây dựng liên quan tới chất lượng tiến độ công trình; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào giám sát cộng đồng…Ngoài ra còn một số thuật ngữ ghi trong Luật chưa được thống nhất giữa các chương mục trong Luật.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kỳ vọng rằng Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có những công trình kiến trúc đặc sắc phát huy bản sắc dân tộc, đặc thù của dân tộc. Bà Khánh cho rằng “về nguyên tắc nên gộp một số điều cơ bản để đảm bảo vấn đề gì về xây dựng và nên chia nhỏ để khỏi trùng lắp. Đầu tiên là phải tuân thủ theo khoa học, đồng bộ để bảm đảm phát triển bền vững, phải tôn trọng quy hoạch giao thông, bảo tồn sinh học và công khai minh bạch chống lãng phí trong quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó, Luật cũng cần có chính sách khuyến khích như việc sử dụng năng lượng tái tạo thân thiên môi trường, những công trình để lại dấu ấn cho địa phương…Đồng thời cũng cần có những hạn chế bắt buộc không được thay đổi sữa chữa công trình theo nhiệm kỳ mỗi khi có thay đổi thủ trưởng mới.”

Ông Tạ Chí Nhân, Phó giám đốc Sở xây dựng Cần Thơ lại đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật xây dựng sửa đổi một chương riêng về quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng. Mặc dù Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực nhưng cần quy định trong Luật xây dựng sửa đổi vì đây là văn bản có gia trị pháp lý cao hơn. “Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức cá nhân”, ông Nhân nói.

Nói về quản lý chất lượng công trình xây dựng không thể không nhắc đến những sản phẩm cấu thành lên công trình xây dựng đó là VLXD. Ông Tuyến đề nghị trong Dự thảo Luật xây dựng sửa đổi nên bổ sung thêm một chương riêng về quản lý vật liệu xây dựng: “theo quy định của Luật xây dựng không có chương, điều khoản riêng quy định về quản lý vật liệu xây dựng, trong khi đó VLXD là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản, góp phần quyết định chất lượng công trình. Do đó, đề xuất nội dung quản lý VLXD cần quy định thành một chương riêng trong Luật xây dựng để có hành lang pháp lý về quản lý, sản xuất kinh doanh, lưu hành VLXD trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng.”

Theo baoxaydung

 

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.