Quy định pháp luật

Cấp giấy phép xây dựng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP: Quy rõ trách nhiệm của từng đối tượng

30/10/2012 - 04:03 CH

Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng đã có hiệu lực từ 20/10/2012 với những điểm mới. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thọ Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.
Ông có thể cho biết những điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị định 64/2012/NĐ-CP?

Đây là Nghị định lần đầu tiên về cấp phép xây dựng (CPXD) (trước đây các quy định liên quan thường nằm rải rác tại các Nghị định, Thông tư khác nhau). Thứ nhất, Nghị định mở rộng cho các trường hợp được CPXD. Cụ thể, là cấp phép theo giai đoạn. Trước đây, ta quy định rất chung về CPXD cho các loại công trình, nhà ở. Đối với một số loại công trình lớn (công trình cấp 1, cấp đặc biệt), thay vì phải xong thiết kế mới được cấp phép, nhưng từ nay sẽ CPXD theo giai đoạn. Ví dụ như xong móng sẽ cấp phép, tiếp tục thiết kế với phần công trình khác sẽ tiếp tục cấp phép.

Trong luật và nghị định thời gian trước quy định các điều kiện cấp GPXD rất chung, Nghị định 64 quy định rõ điều kiện chung và điều kiện riêng để cấp GPXD cho từng loại công trình với từng yêu cầu cụ thể. Thứ hai, Nghị định 64 quy định các loại công trình yêu cầu cấp GPXD. Trước đây Nghị định 12 có nêu một số trường hợp được miễn GPXD như các công trình thuộc dự án đô thị mới, dự án nhà ở có quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, qua kiểm tra và phản ánh của các địa phương cho thấy quy hoạch chi tiết 1/500 chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định quản lý quy hoạch đô thị nên việc cấp GPXD vẫn chưa đảm bảo. Nên Nghị định 64 đưa trường hợp này ra ngoài các đối tượng được miễn cấp GPXD.

Điều mới nữa là việc điều chỉnh thiết kế. Ví dụ đối với nhà ở của dân, theo quy định trước đây, khi điều chỉnh thiết kế mà không làm ảnh hưởng tới quy hoạch kiến trúc và nội dung phòng chống cháy nổ thì không nhất thiết phải xin điều chỉnh. Thay vào đó, điểm mới của NĐ sẽ là những trường hợp điều chỉnh thiết kế không thay đổi, ảnh hưởng những nội dung GPXD thì không bắt buộc điều chỉnh GPXD.

Điểm đáng chú ý, đối với tất cả các công trình và nhà ở trong đô thị, khi xin GPXD, phải đáp ứng các điều kiện phù hợp với thiết kế đô thị.

Thưa ông, công tác cải cách thủ tục hành chính về cấp GPXD sẽ được thay đổi ra sao theo Nghị định 64?

Cơ quan cấp GPXD không được yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thêm hồ sơ tài liệu lần thứ 2. Cụ thể, khi chủ đầu tư xin CPXD, cơ quan cấp GPXD tiếp nhận và xem xét. Nếu thiếu thì cơ quan đó yêu cầu chủ đầu tư chỉ một lần duy nhất bằng văn bản về việc bổ sung, điều chỉnh hồ sơ xin cấp phép. Khi chủ đầu tư đã cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan cấp phép phải xem xét việc cấp GPXD.

Nghị định quy định rõ không cho phép gia hạn GPXD quá 2 lần và lần gia hạn thứ hai không quá 6 tháng nhằm tránh tình trạng xin gia hạn GPXD và ngâm công trình. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Một công trình xây dựng có thể liên quan tới nhiều ngành: tôn giáo, đê điều, hành lang an toàn giao thông, điện lưới. Cơ quan cấp GPXD là đầu mối thì phải có trách nhiệm hỏi ý kiến của các cơ quan có liên quan đó. Sau 10 ngày làm việc, các cơ quan đó phải có trả lời cho cơ quan CPXD. Đây là cơ chế một cửa, liên thông trong việc cấp GPXD.

Theo Nghị định 64, chế tài xử lý vi phạm TTXD có điểm gì mới thưa ông?

Cơ quan có thẩm quyền cao hơn cơ quan cấp GPXD sẽ được thu hồi GPXD được cấp trước đó. Sau 6 tháng kể từ ngày gia hạn GPXD mà không khởi công thì cơ quan cấp phép sẽ thu hồi GPXD. Xây dựng sai GPXD, quá thời hạn xử lý vi phạm mà không khắc phục thì sẽ thu hồi GPXD. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thu hồi, chủ đầu tư (cá nhân, tổ chức) không nộp GPXD thì cơ quan cấp phép sẽ ra quyết định hủy GPXD đó.

Trong Nghị định 64 có nêu trong hồ sơ xin cấp phép phải có bản vẽ kết cấu chịu lực công trình, việc này liệu có gây mất thời gian và “làm khó” cho cả cơ quan quản lý lẫn chủ đầu tư?

Theo điều 72 của Luật Xây dựng, công trình chỉ được khởi công khi đã có thiết kế bản vẽ thi công. Thiết kế theo Luật thì chủ đầu tư được thẩm định và phê duyệt. Vì vậy, khi đã được phê duyệt thiết kế rồi thì không lý gì chủ đầu tư không có bản vẽ thiết kế đó. Thứ hai, để đảm bảo an toàn cho công trình của chủ đầu tư và những công trình lân cận, cơ quan cấp GPXD phải xem xét kết cấu công trình. Bản vẽ kết cấu là quy định chung đối với tất cả các loại công trình. Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định này. Cụ thể, đối với những công trình thuộc dự án, bắt buộc chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định và phê duyệt - trong hồ sơ phải nộp báo cáo thẩm định và quyết định phê duyệt thiết kế (đồng nghĩa với việc không phải nộp bản vẽ kết cấu). Còn đối với các công trình nhà ở riêng lẻ từ 3 tầng trở xuống, hộ gia đình được phép tự tổ chức thiết kế (không yêu cầu phải có báo cáo thẩm định và phê duyệt thiết kế) và phải nộp bản vẽ kết cấu chịu lực để cơ quan cấp phép xem xét độ an toàn của công trình và các công trình xung quanh. Việc này sẽ tránh được tình trạng sau khi cấp phép xong, công trình xây dựng xảy ra sụp đổ, lún nứt, gây ảnh hưởng xung quanh, thì cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm. Đương nhiên, cơ quan thiết kế cũng phải chịu trách nhiệm nhưng điều này cho thấy trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Cũng cần lưu ý, đối với việc không bắt buộc hộ gia đình phải thuê tổ chức, cá nhân có chứng chỉ hành nghề thiết kế, hộ gia đình tự tổ chức thiết kế thì nên nhờ các cá nhân có nghề nghiệp phù hợp và có bằng tốt nghiệp đại học, không cần chứng chỉ) và chịu trách nhiệm về an toàn của công trình.

Để việc xây dựng tại đô thị và nông thôn đảm bảo theo đúng quy hoạch, trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị, nhất thiết phải có QHCT 1/500 và thiết kế đô thị đối với tất cả các loại công trình. Đây là đối với những dự án KĐTM, dự án nhà ở mới. Còn đối với những KĐT đã hình thành lâu đời và ổn định mà chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì UBND cấp tỉnh đó phải ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để làm căn cứ cấp GPXD. Đây là hướng mở cho nhiều địa phương đang băn khoăn về tính khả thi của quy định bắt buộc phải có thiết kế đô thị và QHCT 1/500.

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.