Phát triển vật liệu không nung

Vật liệu không nung: Xu hướng tất yếu của ngành VLXD

21/08/2014 - 02:54 CH

Đa phần vật liệu xây, vật liệu lợp tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ nung tiêu tốn một lượng đất sét và sinh ra lượng khí thải khổng lồ, gây ảnh hưởng lớn đến quỹ đất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường. Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế dần các loại vật liệu nung là một yêu cầu bức thiết và là xu hướng tất yếu của ngành vật liệu xây dựng.
Từ những năm 60, Việt Nam đã sản xuất và sử dụng nhiều loại gạch Block trên cơ sở chất kết dính vôi - xỉ nhiệt điện, vôi, puzolan, cốt liệu là đá mạt, xỉ nhiệt điện, cát... làm vật liệu xây tường, tuy nhiên năng lực sản xuất chỉ ở mức thủ công nhỏ lẻ, đáp ứng tiêu dùng cho một bộ phận dân cư trong các công trình phụ trợ.

Đến đầu thập niên 80 một số dây chuyền sản xuất gạch Block bê tông với quy mô công nghiệp đã được đầu tư xây dựng ở nước ta như nhà máy gạch Block không nung Hoa Lư - Ninh Bình, dây chuyền gạch Block Italia tại Đồng Giao - Ninh Bình, Nhà máy Vinablock Biên Hoà - Đồng Nai, sản phẩm gạch Block được sử dụng xây dựng nhà ở, kho tàng, tường rào, trạm trại chăn nuôi...



Vật liệu không nung đang mở ra hướng đi mới cho ngành Vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Bước qua thập niên 90, nhiều dây chuyền được đầu tư xây dựng, năm 1998 cả nước có tổng số 23 dây chuyền theo công nghệ thiết bị của Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Cộng hoà liên bang Đức, Nhật, Pháp được đưa vào sản xuất với tổng công suất 281 triệu viên (quy tiêu chuẩn) không kể các cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ ở các địa phương khoảng 45 triệu viên.

Một số công trình nhà ở, khách sạn cao tầng đã sử dụng gạch Block như khách sạn Horison, Hilton, khách sạn Hàng Chuối, Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, gần đây là sân vận động Mỹ Đình, khu công nghiệp Bình Xuyên - Vĩnh Phúc.

Theo đánh giá của Công ty Đầu tư Phát triển nhà Đồng Tháp, đơn vị đã xây dựng trên 200 công trình dân dụng, công nghiệp và nhà ở cho hầu khắp các tỉnh thành như TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai bằng vật liệu siêu nhẹ này. So với bê tông thường, bê tông nhẹ giảm tải trọng khoảng 70%, giá thành công trình giảm tới 30% và đặc biệt là những nhà cao tầng khi sử dụng bê tông siêu nhẹ làm giảm được tải trọng, vì thế nhà xây trên nền đất yếu cũng không bị nứt, lún.

Các sản phẩm vật liệu không nung rất phong phú có thể kể đến như Block, terrazzo, ngói xi măng, gạch ốp lát, đá nhân tạo, gạch sân vườn... Trong số các chủng loại sản phẩm trên thì việc sản xuất bê tông nhẹ và siêu nhẹ đã mở ra một hướng mới trong xây dựng nhà trên nền đất yếu, vùng trũng.

Vật liệu không nung hiện có thể đáp ứng rộng rãi các nhu cầu với nhiều ưu điểm về kỹ thuật như cách nhiệt, cách âm tốt, khả năng chống thấm cao, cường độ chịu lực lớn giúp giảm nhẹ tải trọng tường xây trong công trình 40 - 50%, giảm kết cấu móng, là loại vật liệu thích hợp cho những công trình cao tầng, xây nhanh, tiết kiệm chi phí, thời gian và đặc biệt rất thân thiện với môi trường.

Theo ximang.vn *

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.