Doanh nghiệp

Tấm lợp sinh thái từ rác tái chế tiết kiệm, thân thiện môi trương

29/06/2013 - 08:54 SA

Trung bình mỗi ngày cả nước thải ra trên 23.000 tấn chất thải, trong đó, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 22% và xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp, gây không ít áp lực trong việc tìm kiếm diện tích đất và vấn đề môi trường.
Do vậy, tái chế chất thải thành những vật hữu dụng là giải pháp tích cực nhất cần được khuyến khích để giảm phát thải khí nhà kính. Tấm lợp tái chế từ vỏ hộp sữa được đánh giá là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường và khả thi trong cuộc sống.

Công nghệ sản xuất tấm lợp từ rác tái chế lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam trong Triển lãm quốc tế chuyên ngành kỹ thuật, hóa chất sản xuất giấy năm 2012 (Paper Chem Tech Vietnam 2012). Ông Hoàng Trung Sơn - đại diện đơn vị sản xuất tấm lợp từ rác thải  - cho biết: Các vỏ hộp giấy hiện được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sữa nước, sữa đậu nành, nước trái cây có khả năng tái chế được 100%. Loại vỏ này bao gồm 6 lớp, trong đó phần lớn là giấy và một ít là nhôm hoặc nhựa. Để sản xuất tấm lợp sinh thái, phải tách riêng các thành phần trong vỏ hộp bằng cách đưa vỏ hộp đã được thu gom về chuyển vào máy thủy lực chuyên dụng để tách riêng phần giấy khỏi nhôm - nhựa. Lượng nhựa và nhôm tách ra sẽ được chuyển qua băng tải đến lồng sấy khô, băm nhỏ và đưa vào dây chuyền máy ép nhiệt để sản xuất ra tấm lợp sinh thái, sau đó chuyển qua máy ép tạo sóng, ép nguội để định hình sản phẩm. Cuối cùng là công đoạn cắt theo đúng kích thước và kiểm tra thành phẩm trước khi xuất xưởng. Nếu ép thành tấm phẳng có thể sử dụng làm trần nhà, tường cách âm. Do có độ dày hơn so với các sản phẩm mái lợp khác nên loại tấm lợp này có khả năng chịu được môi trường có độ ẩm và nóng cao, có tính cách nhiệt và cách âm tốt hơn hẳn so với những loại tấm lợp khác. Phần còn lại là lượng giấy tách ra từ vỏ hộp sẽ được tái chế thành bột giấy có xơ sợi dài, rất thích hợp làm giấy chất lượng cao, nhất là giấy bề mặt cao cấp cho thùng carton. Trong lễ phát động “Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa tháng 5 vừa qua, Trường tiểu học Nhị Xuân (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) đã được thay 300 m2 mái tôn cũ nát bằng mái lợp sinh thái làm từ 1,2 triệu vỏ hộp sữa.



Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị sản xuất tấm lợp từ rác tái chế là tìm nguyên liệu đầu vào. Nếu tạo được cho người dân thói quen phân loại rác ngay từ đầu thì việc thu gom sẽ dễ dàng hơn.

Vỏ hộp sữa giấy được coi là nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất tấm lợp và giấy tái chế. Nếu vứt bỏ là một lãng phí lớn và tốn chi phí xử lý, chưa kể còn ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các nhà sản xuất đặt mục tiêu mỗi năm tái chế được ít nhất 20 nghìn tấn loại phế liệu này. Năm ngoái, ước tính ở Việt Nam đã có 3.800 tấn vỏ hộp sữa được tái chế, trong khi số lượng vỏ hộp sữa thải ra còn cao hơn gấp nhiều lần. Theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất đối với đơn vị sản xuất tấm lợp từ rác tái chế là tìm nguyên liệu đầu vào, do người dân chưa có thói quen thu gom vỏ hộp sữa và các loại hộp nước giải khát khác. Nếu tạo được cho người dân thói quen phân loại rác ngay từ đầu thì việc thu gom sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, cần khuyến khích người dân phân loại rác và thu gom vỏ hộp sữa, thông qua các hoạt động như: trao đổi vỏ hộp sữa lấy quà, khuyến mãi, trao thưởng cho những cá nhân, đơn vị thu gom được nhiều vỏ hộp sữa. Các cơ quan, ban, ngành cũng cần cung cấp những kiến thức cần thiết về tác dụng của việc sử dụng vật liệu xanh tới xã hội, môi trường và sức khỏe cho chính cộng đồng.
Theo baocongthuong

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.