Doanh nghiệp

Nghệ An: Để làng nghề gạch ngói Cừa phát triển bền vững

13/11/2013 - 05:09 CH

Ra đời từ năm 2006, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh, dịch vụ làng nghề ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ, Nghệ An đã tạo lập được niềm tin về chất lượng sản phẩm VLXD ngay cả với nước bạn Lào.

Dây chuyển sản xuất hiện đại theo công nghệ mới của HTX Ngói Cừa đang tiên hành lắp đặt.

Thương hiệu ngói Cừa được khẳng định, các lò gạch sản xuất không cung ứng kịp sản phẩm cho khách hàng. Ngay từ những năm đầu hoạt động năm 2006 hệ thống giây chuyền đốt, nung cải tiến kỹ thuật đã sản xuất, tiêu thụ được 40 triệu viên ngói, 5 triệu viên gạch, đạt tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Coi trọng ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ làng nghề gạch ngói Cừa đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho hệ thống các đơn vị vệ tinh của mình.

Được sự giúp đỡ của Sở KH&CN, sản phẩm gạch ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo Quyết định số 4068/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 10/4/2007. Đây là một trong những cơ sở SXKD sớm chủ động bảo vệ thương hiệu ở Nghệ An.

Đến nay, sản phẩm gạch ngói Cừa được tiêu thụ mạnh ở thị trường các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và cũng đã có mặt tại các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP.HCM, các tỉnh Xiêng Khoảng, Khăm Muộn (Lào)…

Những hợp đồng đặt mua sản phẩm dài hơi được ký liên tục. Từ đó kinh tế của người dân nơi đây thay đổi theo hướng ngày càng nâng cao giá trị thu nhập và đóng góp ngân sách. Gạch ngói Cừa bán chạy, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đ/tháng.

Kinh tế phát triển, chính quyền địa phương có điều kiện xây dựng các công trình phúc lợi, trường học cao tầng khang trang. Xã có trạm thu phát truyền hình, đường làng ngõ xóm đều được nhựa hoá, bê tông hoá, trụ sở xã xây mới trị giá 600 triệu đồng.

Hiện tại có hàng chục chủ lò gạch ngói đạt doanh thu 600 - 800 triệu đ/năm. Trong tổng số 120 hộ gia đình xã viên sản xuất gạch ngói, có 80 hộ giàu chiếm 64%. Các gia đình xã viên đã mua được 35 ô tô con và 45 ôtô tải làm phương tiện giao dịch và vận chuyển hàng hóa, vật liệu.

Doanh thu của HTX năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 15%. Năm 2008 đạt 64 tỷ đồng, năm 2009 đạt 73,6 tỷ đồng và năm 2010 đạt gần 81 tỷ đồng, năm 2011 đạt hơn 93 tỷ đồng, đến 31/12/2012 đạt 143,85 tỷ đồng; nạp ngân sách mỗi năm trên 2 tỷ đồng.

Tuy vậy, hiện nay hệ thống sản xuất của làng nghề vẫn còn chậm được đổi mới, thay thế nên gây tác động không tốt đến môi trường. Giải pháp cơ bản để phát triển là năm 2009 HTX đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án cụm công nghiệp nhỏ Nghĩa Hoàn rộng 5ha, với tổng kinh phí 67 tỷ đồng và vùng khai thác nguyên liệu sản xuất rộng 50ha; hợp tác với doanh nghiệp xây lắp ở Hà Nội để chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Đầu quý I/2011, HTX đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sản xuất Lò sản xuất ngói tiên tiên chất lượng cao với công suất 35 triệu viên/năm với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.


Lò cái tiến của HTX SXKD dịch vụ làng nghề gạch ngói Cừa.

Đầu tháng 6/2012, Ban quản trị HTX đã đầu tư thêm 5 máy dập ngói cải tiến hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng viên ngói Cừa. Tiến bộ của công nghệ mới đã nâng tổng sản lượng gạch ngói năm 2012 đạt gần 70 triệu viên. Trong năm 2013 này dự kiến tổng sản lượng còn cao gấp nhiều lần những năm trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Sau gần 3 năm áp dụng thành công quy trình sản xuất mới tại làng nghề ngói Cừa đã cho thấy hiệu quả sản xuất lớn nhờ công nghệ sản xuất ngói chất lượng cao mang lại.

Những nhược điểm của công nghệ cũ được khắc phục, tạo ra sản phẩm ngói bền, đẹp, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng niềm tin của người tiêu dùng, giá bán tăng cao gấp 2 - 2,5 lần, đồng thời hạ giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn việc sản xuất bằng lò thủ công sau khi cụm công nghiệp Nghĩa Hoàn được đưa vào sử dụng.

Thế nhưng đã xuất hiện nạn “nhái gạch ngói Cừa” trên thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh mà thực chất đó là sản phẩm kém chất lượng, được sản xuất từ các lò ngói thủ công ở một số huyện tại Nghệ An, Hà Tĩnh nhằm lừa gạt khách hàng, với “chiêu” hạ giá bán sản phẩm thấp hơn ngói Cừa.

Đã không ít khách hàng gọi điện đến HTX phản ánh về chất lượng, kích thước, mẫu mã của sản phẩm “hàng nhái” ngói Cừa. Từ đó ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của toàn bộ HTX ngói Cừa.

Để chủ động bảo vệ uy tín sản phẩm của đơn vị mình, HTX đã sớm có giải pháp thông tin tới đông đảo khách hàng mà địa chỉ tin cậy là hệ thống đại lý của HTX, hoặc thông báo trực tiếp vào số đường dây nóng của HTX SXKD - DV làng nghề gạch ngói Cừa (0383.887.123) để được tư vấn chính xác về giá cả, mẫu mã kích thước… nhằm giúp khách hàng tránh được “hàng nhái” và nhận biết hàng “chính hiệu ngói Cừa”.

Phát triển công nghệ sản xuất VLXD truyền thống và hiện đại ở một địa phương miền núi còn có điểm xuất phát thấp như Tân Kỳ là đúng hướng, đặc biệt là góp phần phân công lại lao động trong nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, thương mại mang tính ổn định, bền vững lâu dài.

Vấn đề đặt ra trước mắt là chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ cần quan tâm, tạo điều kiện để dự án chuyển đổi mô hình sản xuất và cụm công nghiệp Nghĩa Hoàn sớm đi vào hoạt động, đáp ứng chủ trương xóa bỏ lò gạch ngói thủ công của Chính phủ và xu thế phát triển công nghệ sản xuất mới. Cùng với sự phối hợp, đồng hành của khách hàng tin dùng trên khắp mọi miền, có như vậy mới bảo đảm thương hiệu “ngói Cừa” ngày một lớn mạnh và bền vững.

Theo Baoxaydung (QT)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.