Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng từng bước chủ động

03/09/2019 - 10:56 SA

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam chưa có những sản phẩm mới mang tính đột phá và bắt kịp xu hướng công nghiệp 4.0. Nếu các doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau so với các doanh nghiệp quốc tế.
Đó là chia sẻ của ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khi nói về thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam trong thời đại hội nhập như hiện nay.

Theo ông Nga đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh ngành vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm 2019, kết quả sản xuất kinh doanh ngành vật liệu xây dựng trong 7 tháng đầu năm 2019 có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ngành sản xuất vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng do thị trường bất động sản trong thời gian qua có dấu hiệu chững lại và công tác giải ngân vốn và ngân sách còn chậm. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, giấy phép đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản còn nhiều chồng chéo nên nhiều nơi việc triển khai bị chững lại. So với năm 2018, doanh thu có bị sụt giảm, tuy nhiên con số này cũng không nhiều.

Điển hình như ngành xi măng kết quả trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, thị trường trong nước đạt vẫn đạt 99% (37,3 triệu tấn), xuất khẩu đạt 103% (17,9 triệu tấn), về doanh số chung đạt 103% (55,7 triệu tấn). Hy vọng, những tháng còn lại doanh số của ngành này vẫn giữ được các con số ở ngưỡng tương đương năm 2018. Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác trong thời gian qua cũng đã có thị trường xuất khẩu khá tốt.

Có thể thấy ngành vật liệu xây dựng Việt Nam là một trong những ngành tiếp cận với công nghệ rất sớm. Tất cả các lĩnh vực từ kính, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh… đều ứng dựng công nghệ nhập khẩu (Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Anh…) để dần thay thế sản xuất thủ công.


Với Xi măng Hoàng Thạch, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ nhập khẩu từ những năm 60 - 70. Sau này, các đơn vị đã tiếp tục các ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn nữa.  Nhờ công nghệ hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã có sản xuất sản lượng chất lượng tốt, cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực để xuất khẩu với sản lượng lớn.

Mới đây, Vigrlacera đã chủ động thuê chuyên gia Đức, ứng dụng các công nghệ hiện đại của Đức để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Đến nay, sản phẩm gạch xi măng trước đây đã được đơn vị này thay thế bằng các tấm panel nhẹ với tính ứng dụng cao hơn hẳn.

Hay như ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng đã ứng dụng công nghệ của Phần Lan, Đức, Áo để sản xuất tấm ngăn Acotech thay thế gạch viên truyền thống. Đây chính là xu hướng được đánh giá cao tại thị trường nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, ngoài các đơn vị tiên phong sản xuất thành công như vừa kể trên thì Vinhomes và một số đơn vị khác cũng đã bắt đầu nghiên cứu để sản xuất.

Điểm đặc biệt nữa, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp ngành xi măng sử dụng chất thải, tro bay của ngành điện để tái sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Dù nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao nhưng việc ứng dụng các thiết bị đó chưa thực sự triệt để nên năng suất tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, chất lượng lao động còn chưa cao. Kỷ luật lao động của người Việt Nam còn chưa thực sự nghiêm. Người trực tiếp sản xuất chưa có tinh thần tự giác tuân thủ, khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều và chưa đạt được tiêu chuẩn ban đầu đề ra.

Đặc biệt, chúng ta cần có sự giám sát chặt chẽ về chất lượng và giá thành sản phẩm cũng như việc xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn lẫn với hàng sản xuất chất lượng.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt với gạch bê tông; thứ hai là tiến tới sản xuất tấm lớn, tấm nhẹ thay thế gạch viên; thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tấm tường acotech (có giá thành rẻ, tiện dụng)... Cần tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết và thay đổi thói quen sử dụng gạch đỏ sang các sản phẩm gạch không nung công nghệ cao. Các địa phương cần chủ động tiếp nhận, tuyên truyền các ứng dụng công nghệ cao tới từng đơn vị sản xuất tại địa phương mình. 

Nhà nước cũng cần sớm cụ thể hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với vật liệu xây dựng mới, thiết bị sản xuất mới. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất sử dụng vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ để có thể tiếp cận với các tiêu chí phát triển của cách mạng 4.0.

VLXD.org (TH/ DĐDN)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.