Doanh nghiệp

DN nên đầu tư nhiều hơn cho 'làm mới' báo cáo thường niên

22/04/2011 - 05:02 CH

Được xác định là vẫn còn khá mới ở Việt Nam, song Báo cáo Diễn giải đang được các chuyên gia nhận định sẽ trở thành công cụ hữu ích làm tăng tính minh bạch của DN theo thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài cho DN.
Tại hội thảo “Báo cáo Diễn giải” do Hiệp hội Kế toán công chứng (ACCA) và Deloitte phối hợp tổ chức sáng ngày 21/4, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có đánh giá về thực trạng công bố thông tin của các DN, từ đó định hình tương lai báo cáo Diễn giải tại Việt Nam.

Bà Thái Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam thuyết trình tại Hội thảo

Xu hướng bắt buộc

Trên thế giới, Báo cáo Diễn giải đã được thực hiện và thể hiện rõ vai trò quan trong nhưng ở Việt Nam, nó còn rất mới đối với các DN. Có thể hiểu một cách đơn giản, Báo cáo Diễn giải là những thông tin được công bố ra bên ngoài ngoài báo cáo tài chính. Mục đích của báo cáo này cung cấp thông tin hữu ích cho các NĐT ra quyết định đầu tư.

Kết quả thu thập ý kiến của hơn 230 giám đốc tài chính của các công ty niêm yết tại 9 quốc gia về các thử thách hiện tại và định hình tương lai trong các Báo cáo Diễn giải cho thấy, nếu được thực hiện đúng với tiềm năng của mình, thì sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải các phức tạp ngày càng tăng của luật lệ, các tiêu chuẩn về pháp chế và tạo nên sự uyển chuyển, sáng suốt cho công ty trong việc diễn giải kết quả hoạt động kinh doanh của mình cũng nhưng làm thế nào có thể đối mặt với những thách thức trong tương lai. Các NĐT muốn tìm hiểu, trên tất cả là làm thế nào DN kinh doanh có lợi nhuận và hướng đi sắp tới ra sao?.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế ở Việt Nam cho thấy, chưa nói gì tới những quy định cho sự ra đời Báo cáo Diễn giải thì thực trạng công bố thông tin ở mức tối thiểu, mức bắt buộc cũng chưa được DN thực hiện một cách đầy đủ.

Bà Thái Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết “Báo cáo thường niên của các DN hiện tại có nhiều điểm chưa đáp ứng được đòi hỏi thông tin ngày càng khắt khe của các NĐT. NĐT đang cần nhiều thông tin hơn thế thì lại không có hoặc những thông tin đưa ra rất nhiều nhưng lại không có chất lượng”. Theo bà, Báo cáo thường niên của các DN, nhất là các DN niêm yết hiện nay có thông tin còn chung chung, mang tính định lượng tính hình thức và thiếu định hướng; chất lượng thông tin chưa đáp ứng được cho NĐT.

Do vậy, việc lập Báo cáo Diễn giải là cách để khắc phục những khiếm khuyết này. Tuy nhiên “Hiệu quả nhìn thấy chưa rõ ràng trong khi chi phí lại quá lớn thì đây rõ ràng đang là một rào cản cho việc xây dựng Báo cáo Diễn giải của DN” – bà Hải nói. Các  DN làm sao mà cân bằng được lợi ích và chi phí bỏ ra khi lập Báo cáo Diễn giải cũng là một khó khăn.

Các DN muốn thu hút đầu tư từ bên ngoài, muốn khẳng định hình ảnh thương hiệu của công ty hơn nữa thì không thể cung cấp những thông tin sai cũng như những thông tin mang tính chung chung không có giá trị. Vì thế, Báo cáo Diễn giải là xu hướng bắt buộc và cần có trong tương lai dù còn cần phải nhiều nỗ lực.

Cần lộ trình thích hợp!

NĐT mong muốn có trong báo cáo Diễn giải là những công bố rõ ràng về tình hình kinh doanh và những yếu tố chi phối hoạt động của công ty

Câu hỏi đặt ra là với thực trạng như vậy thì khả năng áp dụng Báo cáo Diễn giải sẽ thế nào? Chính bản thân DN vì lợi ích của chính công ty phải định hướng và chọn lọc các thông tin, có giá trị đầy đủ hơn để công bố cho các NĐT. “Chúng ta làm Báo cáo Diễn giải là cần phải xem xét các khó khăn về lợi ích NĐT, nhà làm luật pháp nhưng tôi nghĩ rằng việc nâng cao chất lượng báo cáo thường niên là cái nên làm ngay trước mắt. Điều đó có nghĩa là khắc phục tính chung chung, dài dòng, thiếu thông tin, nhiều không tin không hữu ích cho NĐT để tiến tới xa hơn tới việc lập Báo cáo diễn giải theo thông lệ quốc tế” - bà Hải nhận định - “Tôi cho rằng trong tương lai không xa thì Bộ Tài chính cũng phải thêm những quy định về các thông tin được công bố, hiện tại bây giờ là chưa đủ cả về chất lượng và số lượng”.

Đưa những vấn đề có tính thông lệ quốc tệ vào Việt Nam sẽ có ý nghĩa to lớn và giúp các DN thể hiện mình rõ hơn cũng như củng cố được niềm tin đầu tư của các NĐT. Vì vậy, việc nghiên cứu để có quy định pháp lý ràng buộc các DN phải xây dựng Báo cáo diễn giải kèm theo Báo cáo thường niên là điều cần được xem xét và cân nhắc. Song, theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), đây là vấn đề còn rất mới, còn nhiều vấn đề cần làm sáng rõ như có cần kiểm toán không, có cần bên thứ ba hay không, DN có nên tự lập báo cáo Diễn giải, học hỏi kinh nghiệm từ các nước, so sánh báo cáo này với các báo cáo thường niên quan hệ như thế nào….Do đó, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để nắm bắt rộng và tập hợp thông tin cụ thể.

Công bố thông tin minh bạch, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời không chỉ là trách nhiệm của DN đối với NĐT mà là trách nhiệm đối với chính sự phát triển bền vững của chính DN mình. Vì vậy, việc DN sử dụng Báo cáo Diễn giải về hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế là điều quan trọng trong xây dựng hình ảnh DN, cung cấp những thông tin cần thiết cho NĐT.

NQ_Theo,diendandoanhnghiep

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.