Doanh nghiệp

Phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực

20/04/2011 - 11:49 SA

Không khó để hình dung ngày mai 21/4, công trình thủy điện Bản Chát (công suất 220MW, xây dựng trên địa bàn H.Than Uyên, T.Lai Châu) tưng bừng như thế nào trong lễ mừng công 1 triệu khối bê tông đầm lăn (RCC) hạng mục đập.
Bởi với chiều cao 125m, dài 420m, rộng đáy 102m, rộng đỉnh đập 20m, tổng khối lượng khoảng 1,7 triệu m3 RCC, đập thuỷ điện Bản Chát là 1 trong 10 đập cao nhất thế giới và là đập thủy điện lớn thứ hai Việt Nam, sau đập thủy điện Sơn La. Bởi việc hoàn thành 1 triệu khối RCC không phải là thành tích của riêng ai mà đó là sự cộng hưởng trí tuệ, công sức, sự nỗ lực của mọi lực lượng tham gia trên công trường từ chủ đầu tư (Tập đoàn EVN), đến đơn vị tư vấn giám sát và nhất là các nhà thầu (do TCty LICOGI làm tổng thầu)...


Thi công RCC trên công trường thủy điện Bản Chát. ảnh trong bài: Đinh Quang Thành

Trong các lực lượng trên không thể không nhắc đến Cty CP LICOGI 16 trong vai trò nhà đầu tư hệ thống dây chuyền RCC hiện đại hàng đầu Việt Nam và Cty CP LICOGI 16.6, đơn vị chủ công đảm nhiệm trọng trách thi công bê tông RCC trên mặt đập…

Mạnh bạo đầu tư thiết bị công nghệ

Còn nhớ, cuối năm 2007, theo thiết kế, yêu cầu kỹ thuật của công trình thủy điện Bản Chát, tổng thầu TCty LICOGI phải đầu tư dây chuyền RCC, công suất 500m3/h phục vụ công tác thi công đập, vừa rút ngắn được thời gian thi công toàn công trình 14 tháng, vừa tiết kiệm cho nhà nước gần 1 nghìn tỷ đồng. Khi đó, nền kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, cơn bão tài chính gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Việc đầu tư dây chuyền RCC hiện đại, đồng bộ với hệ thống trạm lạnh, băng tải vận chuyển bê tông đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thực sự là một bài toán khó đối với Tổng thầu. Trong bối cảnh đó, Cty LICOGI 16 với nền tài chính khá mạnh (gặt hái được sau những thành công trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư kinh doanh BĐS ở khu vực miền Trung, miền Nam) đã mạnh dạn xung phong ra Bắc đầu tư dây chuyền RCC…

Sau này, lý giải về quyết định mạnh bạo ngày đó, lãnh đạo LICOGI 16 chân thành chia sẻ: Đầu tư cho công nghệ sản xuất cũng là một hướng đầu tư quan trọng và hiệu quả. Tại sao LICOGI 16 phải ngần ngại khi mà 95% giá trị đầu tư dây chuyền RCC sẽ được khấu hao trong công trình thủy điện Bản Chát?

Nói thì có vẻ đơn giản vậy thôi nhưng để đầu tư thành công dây chuyền RCC vốn là công nghệ bê tông mới du nhập vào Việt Nam thì LICOGI 16 đã phải dành rất nhiều tâm sức. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, LICOGI 16 đã “tung” người đi học tập kinh nghiệm ở khắp công trường thi công RCC trong và ngoài nước. Cty sớm nhận ra, việc huy động hơn 300 tỷ đồng đầu tư dây chuyền RCC không quá khó mà cái khó nhất chính là lựa chọn dây chuyền công nghệ nào cho hợp lý và hiệu quả. Chính từ các chuyến đi thực tế, LICOGI 16 đã tìm ra được nhà tư vấn chiến lược là Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (đơn vị đã nội địa hóa và chế tạo thành công trạm trộn cho dây chuyền RCC của công trình thủy điện A Vương và Đồng Nai 3) và đặt hàng: Chế tạo trạm trộn cho công trình thủy điện Bản Chát với yêu cầu tiên quyết sử dụng thiết bị chuyên dụng tốt nhất thế giới. Đó là hệ thống băng tải RCC của hãng Rotec (Mỹ), cối trộn BHS và trạm lạnh của hãng KTI (Đức)…

Nhờ quan điểm đúng đắn trên, dây chuyền RCC do LICOGI 16 đầu tư đã đạt hiệu quả kép. Một mặt, dây chuyền có tỷ lệ nội địa hóa cao, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Mặt khác, đây vẫn là dây chuyền RCC hiện đại hàng đầu Việt Nam. Người LICOGI 16 hoàn toàn có thể hãnh diện bởi dây chuyền RCC của Bản Chát sở hữu ống áp suất âm dài nhất thế giới, sở hữu hệ thống băng tải duy nhất ở Việt Nam có trạm trộn lại sau ống áp suất âm nhằm tránh cho bê tông bị phân tầng trước khi được đưa xuống máy rải. Và đây cũng là máy rải RCC duy nhất ở Việt Nam. Với tầm với 28m, quay 2700, máy rải có thể đứng một chỗ mà vẫn thi công được ở nhiều góc khác nhau đồng thời cho phép giảm thiểu tải trọng động trên mặt đập do hạn chế được số lượng ô tô vận chuyển bê tông…

Bài bản, nỗ lực trong công tác vận hành

Dẫu làm chủ dây chuyền công nghệ tiên tiến song LICOGI 16 vẫn rất thận trọng và đã mời hãng COLENCO Thụy Sỹ làm tư vấn thẩm định toàn bộ dây chuyền RCC và cả những thiết bị, vật liệu đưa vào phục vụ thi công như cốp-pha tấm lớn ấy do Cty con của LICOGI 16 là Cty CP Cơ khí LICOGI 16M chế tạo hay tro bay (phụ gia cho cốt liệu bê tông RCC) được sản xuất bởi một nhà máy mà LICOGI 16.6 góp 25% vốn đầu tư.

Song song với việc đầu tư, lắp đặt dây chuyền RCC của Cty mẹ LICOGI 16, các đơn vị thành viên là LICOGI 16 Chi nhánh Lai Châu và LICOGI 16.6 cũng khẩn trương đầu tư các thiết bị phụ trợ đồng thời chiêu mộ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề. Người lao động không chỉ được đào tạo chính quy trong nhà trường, tập huấn tại chỗ từ nhà thầu cung cấp thiết bị mà còn được đưa đến công trường thủy điện Sơn La học tập. Để rồi, khi trở lại Bản Chát, họ bắt nhịp được ngay với tiến độ thi công gấp gáp, yêu cầu kỹ thuật cao…

Đầu tư bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng là vậy nhưng đến cuối tháng 10/2009, công trường chính thức thi công khối RCC đầu tiên, người LICOGI vẫn lắm phen thót tim. Đã đành dây chuyền mới, không có thời gian chạy thử, con người cũng mới, lần đầu tiếp xúc công nghệ thiết bị hiện đại, được điều khiển hoàn toàn bằng phần mềm, vừa vận hành, vừa căn chỉnh, chưa thể đạt ngay công suất thiết kế nhưng chẳng ai ngờ được rằng, mới chỉ sản xuất được 3 nghìn m3 bê tông RCC (khoảng 1 - 2 ngày) thì đường ống áp suất âm đã bị… thủng. Lý do, tốc độ truyền bê tông từ trạm trộn qua đường ống áp suất âm (dốc 460) xuống băng tải và máy rải lên đến 27m/s, tương đương tốc độ của… máy mài, đường ống áp suất âm không chịu được. Mỗi lần đường ống áp suất âm thủng, toàn dây chuyền phải tạm dừng sản xuất để… vá.

Anh Vũ Công Hưng - Phó Tổng giám đốc LICOGI 16, Giám đốc LICOGI 16.6 nhớ lại: Vào thời điểm đó, từ TCty LICOGI đến các đơn vị thành viên đều rất lo lắng. Mọi người tập trung trí và lực, trăn trở nghiên cứu, phát huy sáng kiến và mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí để cùng tìm giải pháp xử lý. Một số giải pháp được đề xuất như làm giảm tốc độ truyền bê tông, thay thế vật liệu đường ống áp suất âm bằng các vật liệu có khả năng chịu mài mòn tốt hơn. Mỗi đề xuất đưa ra ngay lập tức được đưa vào thử nghiệm… Mất hơn một tháng trời tong tả di chuyển con thoi giữa công trường và các xưởng chế tạo cơ khí, cuối cùng người LICOGI 16 đã tìm ra được thép hợp kim crôm chống mài mòn tốt, rất phù hợp để làm đường ống áp suất âm. Từ đây, dây chuyền RCC Bản Chát mới bắt đầu đi vào vận hành ổn định và dần dần nâng công suất, từ 30 - 40 nghìn m3 ở 2 tháng đầu tiên lên 100 - 120 nghìn m3/tháng ở các tháng tiếp theo và duy trì công suất này cho đến thời điểm hiện tại.


Cơ hội có một không hai của nhà thầu trẻ


Thành tích hoàn thành thi công 1 triệu khối RCC đập thủy điện Bản Chát hôm nay có sự đóng góp của nhiều nhà thầu. Đó là Cty LICOGI 13.CMC ở vai trò nhà sản xuất đá, cát nhân tạo làm phối liệu, là Chi nhánh Lai Châu Cty LICOGI 16 trong công tác sản xuất bê tông RCC và Cty LICOGI 16.6 chủ công thi công bê tông RCC trên mặt đập… Có thể khẳng định ngay, mỗi nhà thầu đều đã “ra trận” với những nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao. Riêng LICOGI 16.6 ngay từ đầu đã xác định: Tham gia thi công RCC thủy điện Bản Chát với giá trị sản lượng 1.500 tỷ đồng trong vòng 25 tháng là cơ hội có một không hai dành cho nhà thầu trẻ (khi đó LICOGI 16.6 mới vừa tròn 3 tuổi) nên đã tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công trình. Bằng chứng là Cty đã đầu tư mới hệ thống thiết bị “phụ trợ” gồm ô tô, xe ủi, xe lu, cốp-pha tấm lớn trị giá lên đến 40 tỷ đồng phục vụ thi công. Cùng với việc đầu tư cho thiết bị, LICOGI 16.6 đặc biệt chú trọng chăm lo cho người lao động. Như đã đề cập, người lao động không chỉ được đào tạo thực tế tại công trường, rèn luyện kỷ luật, tác phong công nghiệp mà còn được hưởng những chế độ đãi ngộ ngoài lương, thưởng “đáng mơ ước”. Người ta vẫn gọi lao động kỹ thuật của LICOGI 16 và LICOGI 16.6 ở Bản Chát là “sỹ quan” vì người lao động được ở trong những khu lán trại tươm tất, có trang bị các vật dụng tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa…

Còn về tinh thần làm việc, anh Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Ban Điều hành dự án thủy điện Bản Chát Cty LICOGI 16.6 cho biết: Ở các công trường khác, việc chủ đầu tư hò hét nhà thầu làm ca ba bỏng cổ. Nhưng ở hạng mục đập RCC Bản Chát, dù có bảo người lao động không làm ba ca thì họ cũng chẳng chịu. Bởi khác với bê tông thường, thi công RCC cho phép rải thảm liên tục các lớp bê tông dày 30cm chồng lên nhau, càng nhanh càng tốt. Thành ra không khí thi công trên công trường lúc nào cũng khẩn trương, vội vã. Nếu chẳng may có sự cố nào đó xảy ra, việc thi công bị ngắt quãng quá 20 giờ, bê tông đông kết tạo thành khe ấm, khe lạnh, khe siêu lạnh, công trường buộc phải dừng thi công để xử lý nhám, xả rửa bề mặt bê tông đã cứng sau đó mới có thể rải lớp bê tông mới. Việc khắc phục đó vừa mất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc, vừa giảm năng suất lao động, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ chung của công trường và thu nhập của người lao động.

Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực

Vào thời điểm công trường thủy điện Bản Chát mừng công khối RCC thứ 1 triệu, chúng tôi hỏi người LICOGI 16.6 với tư cách là người trong cuộc: Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào? Anh Vũ Công Hưng trả lời: Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, làm chủ công nghệ, thiết bị RCC hiện đại của người LICOGI. Thành công mà LICOGI 16.6 gặt hái từ Bản Chát không chỉ là hiệu quả SXKD mà hơn thế, LICOGI 16.6 đã xây dựng được lực lượng 400 lao động vững nghề, nhiệt huyết. Luôn hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng hạng mục công trình, được chủ đầu tư, tổng thầu đánh giá là nhà thầu chuyên nghiệp, thương hiệu và mầu cờ sắc áo của LICOGI 16.6 từ đây càng được nâng lên.

Còn anh Nguyễn Việt Hùng thì nói: Lễ mừng công giống như một món quà xứng đáng dành cho những nỗ lực của người công trường, là sự kích lệ để người công trường tiếp tục hoàn thành xuất sắc 700 nghìn khối bê tông còn lại, góp phần bảo đảm mục tiêu tính nước hồ chứa vào tháng cuối năm 2011 và phát điện tổ máy 1 nhà máy thủy điện Bản Chát vào tháng 8/2012.

NQ_Theo Hòa Bình_baoxaydung

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.