Hơn ai hết, các nhà sản xuất
xi măng đều hiểu tầm quan trọng của Hệ thống
phát điện nhiệt dư, với những lợi ích lâu dài, trong việc giải quyết bài toán thiếu điện,
tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu
ô nhiễm môi trường.
Tại
Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của TTCP phê duyệt Quy hoạch
phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020, định hướng đến
2030, đã có yêu cầu bắt buộc các
dây chuyền lò nung trên 2.500 tấn clinker/ngày phải đầu tư ngay Hệ thống phát điện nhiệt dư.
Hiện nay, hàng loạt các dây chuyền sản xuất
xi măng công suất cỡ vừa và lớn (trên 2.500 tấn clinker/ngày) đều sẵn sàng có thể lắp đặt Hệ thống
phát điện nhiệt dư. Nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có
Vicem,
đã có phương án đầu tư hệ thống này từ vài năm trước. Nhưng đã có khá
nhiều vấn đề phát sinh khi thực hiện triển khai đầu tư hệ thống này:
Trước
hết việc định hướng lựa chọn công nghệ Hệ thống phát điện nhiệt dư
trong giai đoạn hiện nay còn nhiều tranh cãi. Chưa có cơ quan nhà nước
nào có thể đứng ra, cùng ngành xi măng bàn thảo, lựa chọn loại công nghệ
tối ưu nhất, có lợi cho việc phát triển lâu dài.
Giá cả giữa các
loại công nghệ thiết bị Hệ thống phát điện nhiệt dư chênh lệch nhau quá
lớn (xuất sứ từ Nhật Bản, Tây Âu, Trung Quốc…); trong đó có việc khi tổ
chức đấu thầu, các nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá chào, ép chủ đầu
tư nâng giá gói thầu.
Khủng hoảng và suy thoái kinh tế, thị
trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới khả năng đầu tư
vốn của các nhà sản xuất. Việc duy trì sản xuất xi măng đã khó khăn,
việc tự huy động hoặc vay vốn thương mại đầu tư Hệ thống phát điện nhiệt
dư là rất khó khăn.
Trước tình hình đó, để đảm bảo hiệu quả lâu dài cho sự phát triển của ngành, Hiệp hội xi măng đã có
văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ số 60/VPHH ngày 1/4/2014
về việc đề nghị TTCP cho phép vay vốn ưu đãi các dự án xi măng đầu tư
Hệ thống phát điện nhiệt dư. Theo đó, các thành viên Hiệp hội có thể đầu
tư Hệ thống phát điện nhiệt dư với tổng công suất điện ước tính 154,7
MW, kinh phí dự kiến khoảng 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận kinh tế đem lại
tăng trưởng hàng năm và đặc biệt, có thể chủ động hơn trong sản xuất và
bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội xi măng, ngày 14/4/2014,
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính,
nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội xi măng về phương án vốn cho Hệ thống
phát điện nhiệt dư và có thể xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp cần
thiết, Bộ đề xuất giải pháp và báo cáo TTCP.