Sắt, Thép

Ngành Thép trong nước chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc

26/03/2024 - 09:34 SA

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 15,9 triệu tấn, đây là mức cao nhất kể từ năm 2016. Thép Trung Quốc xuất khẩu mạnh đang làm tăng các mối lo ngại về thừa cung, tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của ngành Thép trong nước.
Nhiều dự đoán trên thế giới tin rằng xuất khẩu thép của quốc gia này còn tiếp tục tăng cao trong bối cảnh thị trường bất động sản của Trung Quốc hạ nhiệt. Dự kiến thép xuất khẩu từ nước này đạt khoảng khoảng 90 triệu tấn, cao nhất trong 7 năm. Điều này chắc chắn khiến ngành Thép của nhiều quốc gia lo ngại về vấn đề thừa cung và sức ép giá, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu về nước ta là gần 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thép có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá so cùng kỳ. Với riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, trong tháng 1 và tháng 2/2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng đầu năm.
 

Ngành thép đang chịu sức ép lớn.

 
Đáng chú ý hơn, nếu so với tháng 1/2023 thì tăng 376,4% về lượng, tăng 247% về kim ngạch nhưng thấp hơn 27,2% khi đem so về giá. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, hiện công suất sản xuất ngành Thép Việt Nam đang xoay quanh mức 29 đến 30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu trong nước.

Nhiều chuyên gia, tổ chức đã lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp kinh doanh thép cần cẩn trọng áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dù lợi nhuận ngành Thép có khả quan hơn so với năm năm ngoái, nhưng thị trường thép Việt Nam đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng). Tổ chức này nhấn mạnh về vấn đề cạnh tranh trong bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa và giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, cũng như sự tương quan cao giữa các thị trường.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nghịch lý đang xảy ra đối với ngành thép đó chính là hiện chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao và có sự biến động liên quan đến việc tăng lãi suất vốn vay. Việc thay đổi tỉ giá khiến hàng loạt doanh nghiệp lỗ nặng, buộc phải chuyển ngành, chuyển hướng kinh doanh đầu tư bù lỗ. Trong khi đó, theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Thép được nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%, thép Trung Quốc cũng chỉ gánh chịu thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43 - 25,22%... điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp trong nước. Do đó, điều mà các doanh nghiệp thép rất cần đó chính là một giải pháp đồng bộ từ chính sách Nhà nước hướng tới một thị trường lành mạnh, công bằng hơn.
 
VLXD.org (TH/ TBNH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.