Cát, Đá, Sỏi

Tiền Giang: Nguồn cung khan hiếm, giá cát tiếp tục tăng

23/03/2024 - 12:10 CH

Mấy ngày nay, sau khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C05- Bộ Công an bắt hàng loạt sà lan khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Tiền địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giá vật liệu cát tại vùng ĐBSCL tăng do nguồn cung giảm.

Cát nhập khẩu từ Campuchia chất lượng cao nhưng giá ở mức cao do chi phí vận chuyển xa.

 
Hôm nay, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cho biết, hầu hết các loại cát đều tăng giá và gần hết nguồn cung. Cát san lấp mặt bằng giá từ 160.000 - 200.000 đồng/m³; cát xây loại 1 giá  từ 360.000 - 380.000 đồng/m³ (tùy loại), cát nhập khẩu từ Campuchia loại 1 giá trên 400.000 đồng/m³. So với tháng trước giá cát tăng từ 5 - 10%, không chỉ giá tăng mà nguồn cung vật liệu cát thời điểm này cũng giảm mạnh. Nhiều nhà cung cấp cát đã cạn nguồn phải đến An Giang hay biên giới Campuchia mua cát ngoại nhập với số lượng hạn chế.

Ông Trần Văn Tân, chủ doanh nghiệp cung cấp vật liệu tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho cho biết, mấy ngày nay, mình bán hết cát tồn đọng hết thì nghỉ thôi chứ biết làm sao bây giờ. Hôm trước lấy cát từ Vĩnh Long đem về nhưng nghe nói bên đó không có cát nữa, khi nào khách có nhu cầu mình lấy về thôi chứ lấy về nhiều khi người ta chế cát nhiễm nước mặn. Nguồn cát từ Campuchia thì cát rất đẹp nhưng giá rất cao. Bên đây, tôi còn tính đến phương án giảm biên chế bớt nữa.

Vật liệu cát giá cao, khan hiếm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình trọng điểm ở vùng ĐBSCL. Nhiều công trình, dự án trong khu vực đang thi công kiểu "cầm chừng" chờ có nguồn cát.

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc doanh nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hào tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang tâm tư, tôi đang tạm xin nghỉ 6 tháng, do mình không có nguồn chính thống nên không làm nữa, nguồn cát chính thống đâu ra. Mấy hôm nay, doanh nghiệp không có nhập cát nữa, bán hết cát cũ thì nghỉ, tạm thời nghỉ hết năm nay đi đến năm sau có mỏ thì làm lại, chứ bây giờ nuôi lính trả lương không nổi. Bây giờ đề nghị các ngành chức năng, các địa phương phải kích hoạt mỏ cát lại để phục vụ nhân dân và các công trình trong tỉnh nữa.

Việc thiếu cát phục vụ ngành Xây dựng tại khu vực ĐBSCL hiện nay không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra trong thời gian dài và nay là đỉnh điểm. Đã đến lúc chính quyền và các ngành chức năng trong vùng phải có giải pháp giải quyết tình trạng này, nhất là phải sớm tổ chức khai thác các mỏ cát đã được quy hoạch, thăm dò để phục vụ nhu cầu của xã hội đang cần.
 
VLXD.org (TH/ VOV)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.