Cát, Đá, Sỏi

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền

06/07/2023 - 04:35 CH

Trước thực trạng cát tự nhiên đang dần cạn kiệt, để đảm bảo tính bền vững tỉnh Thanh Hoá đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất cát nhân tạo từ đá thải tại các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng. Thanh Hóa đặc mục tiêu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên, năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp. 
Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Thanh Hóa sẽ phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng. Mục tiêu của Thanh Hóa đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên, năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp.

Để phát triển cát nhân tạo, tháng 7/2021 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 20 về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025”. Với Nghị quyết này, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025.

Các tổ chức này khi đầu tư máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ sản xuất cát nhân tạo phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công suất thiết kế > 50 tấn/giờ, sản phẩm cát nhân tạo phải được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải sản xuất và tiêu thụ được ít nhất 75.000 tấn cát tương đương khoảng 50.000m3 tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Đồng thời, mức hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư, bao gồm chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chi phí chuyển giao kỹ thuật, công nghệ (nếu có); chi phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.


Cát nhân tạo trở thành tiềm năng phát triển vật liệu mới tại Thanh Hóa.

 
Với chính sách thiết thực, hấp dẫn như trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để sản xuất cát nhân tạo bù đắp cho sự thiếu hụt cát tự nhiên.

Cụ thể như Công ty TNHH Hoàng Tuấn (KCN Hoàng Long, TP. Thanh Hóa). Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Thanh Hóa giao khai thác mỏ đá tại xã Hà Tân (Hà Trung). Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, trước đây trong quá trình khai thác một lượng lớn đá vụn thải ra bị bỏ đi, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá để tạo ra sản phẩm cát sạch chất lượng cao. Dây chuyền áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, tổng nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng với công suất đạt 150.000 tấn/năm.

Đây là dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đồng bộ, nguyên liệu đá thải được đổ vào máy cấp liệu rung, sau đó được tách ra ngoài theo băng chuyền về khu vực máy đập thô và tiếp tục được đưa vào máy kẹp hàm và máy nghiền phản kích. Sau công đoạn nghiền, đá sẽ được sàng phân loại theo các kích cỡ khác nhau, rồi chuyển qua máy nghiền cát. Quá trình này làm cho vật liệu va đập chuyển động tương hỗ với tốc độ cao, ma sát giữa các nguyên liệu tạo thành sản phẩm cát thô. Nguyên liệu đã qua máy nghiền cát chuyển lại máy sàng rung để tiếp tục sàng lọc, các hạt cát sàng lọc đủ độ nhỏ theo tiêu chuẩn sẽ qua băng tải chuyển đến máy rửa để làm sạch trước khi xuất xưởng.

Trước đây khi Công ty chưa đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, đá vụn thải khi khai thác chỉ tận dụng được khoảng 30% để tái sử dụng. Nhưng khi áp dụng công nghệ này vào, nguồn đá vụn thải tận dụng được hiệu quả để tạo ra sản phẩm cát chất lượng tốt. Bởi, cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như hạt đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Từ khi sản xuất cát nhân tạo đơn vị chủ động được nguồn cát, sản xuất vật liệu xây dựng bê tông thương phẩm, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Qua khảo sát của Sở Xây dựng Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 168 mỏ, khu mỏ đá vôi trên địa bàn 23 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện để sản xuất cát nhân tạo với trữ lượng 600 triệu m³. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 dự án đã và đang đầu tư sản xuất cát nghiền với công suất thiết kế khoảng 1,135 triệu m³/năm, có khả năng thay thế trên 50% tổng sản lượng cát tự nhiên.

Các sản phẩm cát nghiền sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang áp dụng tiêu chuẩn Quốc gia 9205:2012, đủ điều kiện để sử dụng đại trà và được công bố giá. Cát nhân tạo có ưu điểm là loại bỏ được tạp chất, hạt đều, có khả năng thay thế được cát tự nhiên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trộn bê tông và sản xuất gạch không nung, giá thành lại thấp hơn cát tự nhiên từ 10.000 - 20.000 đồng/m³.
 
VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.