Cát, Đá, Sỏi

Tây Ninh: Nguyên nhân tăng giá cát xây dựng

15/10/2018 - 09:05 SA

Khoảng 3 tháng gần đây, giá cát xây dựng (cát vàng) dao động từ 350 đến hơn 400.000 đồng/m3. Nhiều người cho rằng, do Nhà nước “siết chặt” việc khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nên dẫn đến tình trạng khan hiếm và làm giá cát tăng. Thực hư vấn đề này như thế nào?
 
Hoạt động mua bán cát vẫn diễn ra bình thường tại một doanh nghiệp khai thác cát ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
 
Cung vẫn đủ cầu

Ðể chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: di dời hơn 80 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác thuộc 18 giấy phép khai thác khoáng sản của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước ra khỏi hồ; lắp đặt trạm cân tải trọng trên đường; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn buộc các doanh nghiệp khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 2 Ðiều 42 Nghị định 158/2016/NÐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản: tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan...

Qua đó, tình hình khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng “im ắng” hơn so với những tháng trước đây. Trên các tuyến đường quanh hồ, số lượng xe tải vận chuyển cát cũng không nhiều như trước, nhất là loại xe có tải trọng lớn từ Bình Dương sang.
 
Thực tế, qua tìm hiểu tại một số mỏ cát vào đầu tháng 10/2018, hoạt động khai thác cát và mua bán vẫn diễn ra bình thường. Một doanh nghiệp tại khu vực xã Tân Hưng, huyện Tân Châu khẳng định, không có chuyện không có cát để bán dẫn đến tình trạng khan hiếm. Thời gian qua, việc khai thác và mua bán cát được doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định mà tỉnh đã ban hành, và doanh nghiệp chỉ khai thác đúng sản lượng được cho phép hằng ngày theo giấy phép. Giá cát hiện nay được bán tại mỏ là khoảng 250.000 đồng/m3 theo đúng quy định.

Một doanh nghiệp khai thác cát tại khu vực K9 hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu cho rằng, sản lượng mà các doanh nghiệp khai thác được hằng ngày vẫn cung cấp đủ cho thị trường, không bao giờ có chuyện khan hiếm như dư luận râm ran. Càng không có chuyện các doanh nghiệp “ghim hàng” không bán ra thị trường để tạo sốt giá, hầu hết đều bán tại mỏ với giá khoảng 250.000 đồng/m3, xuất hoá đơn đầy đủ.

Tăng do chi phí vận chuyển

Theo một doanh nghiệp xây dựng, việc giá cát vàng trên thị trường tăng đã làm ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình đã dự toán, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá tăng là thật, nhưng hoàn toàn không khan hiếm cát, vì doanh nghiệp vẫn mua cát phục vụ cho các công trình đang thi công, mà không gặp khó khăn gì

Anh C.V.Ð, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, anh dự định xây dựng nhà từ đầu năm 2018, thời điểm đó, qua khảo sát giá cát xây dựng trên thị trường chỉ dao động khoảng hơn 200.000 đồng/m3. Cách đây 2 tháng, khi anh khởi công xây dựng nhà, giá cát tại cửa hàng lại lên 340.000 đồng/m3, chắc chắn chi phí xây dựng nhà của anh sẽ tăng so dự tính ban đầu.

Một chủ doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cho rằng, giá cát trên thị trường tăng, nguyên nhân có thể là do chi phí vận chuyển tăng. Khi hoạt động khai thác cát được chấn chỉnh, đi vào nề nếp, trong đó có việc kiểm soát tải trọng xe chở cát, gần như không còn tình trạng xe tải chở quá tải trọng trong khu vực hồ Dầu Tiếng.

Trước đây, xe tải có thể lợi dụng lúc không có mặt lực lượng chức năng trên đường để vận chuyển quá tải trọng. Ðơn cử như xe quy định tải trọng 10 tấn có thể chở đến 15 tấn, giảm chi phí vận chuyển (tính trên từng m3 cát). Còn hiện nay, không có xe tải nào dám chở quá tải trọng, do đó, giá cát được bán ra trên thị trường cũng sẽ tăng theo cự ly vận chuyển xa hay gần.

Cũng theo chủ doanh nghiệp này, không loại trừ trường hợp lợi dụng việc tỉnh “siết chặt” hoạt động khai thác cát, trong đó có việc vận chuyển cát, nên một số vựa cát đã tung tin đồn khan hiếm cát nhằm đẩy giá lên để trục lợi. Tuy nhiên, đây chỉ là phán đoán, còn vấn đề quản lý giá cát được bán trên thị trường như thế nào là thuộc trách nhiệm của ngành chức năng.

Giá cát phù hơp với thực tế

Theo ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương, sau hơn 1 năm thực hiện việc giám sát, chấn chỉnh tình trạng giá cát lên xuống thất thường cho thấy, các cơ quan Nhà nước quản lý các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng ngày càng chặt chẽ hơn. Các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác hoạt động giám sát tại các doanh nghiệp về sản lượng khai thác hằng ngày, số lượng ghe, tàu đăng ký hoạt động, công suất bơm hút của mỗi ghe tàu so với đăng kiểm...

Hiện có 1 đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cảnh sát Kinh tế, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường, Cục Thuế, UBND huyện Dương Minh Châu và Tân Châu... tăng cường công tác giám sát hoạt động khai thác của các doanh nghiệp như lắp đặt trạm cân nhằm tránh vượt tải trọng xe, lắp đặt camera giám sát hoạt động mua bán tại doanh nghiệp, kiểm tra giá bán cát... nên việc khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng đã được chấn chỉnh, không còn tình trạng ghe, tàu bơm hút cát không đăng ký với các cơ quan chức năng hoạt động. Vì vậy trữ lượng khai thác tại hồ có thể giảm so với trước đây.

Ngoài ra, việc áp dụng tính giá thuế VAT (giá trị gia tăng) đối với cát xây dựng do UBND tỉnh quy định có tăng hơn so với trước. Cụ thể, trước đây, theo Quyết định số 54/2015/QÐ-UBND được tính thuế cát trắng 110.000 đồng/m3, cát vàng là 119.000 đồng/m3. Hiện nay, theo Quyết định số 17/2018/QÐ-UBND ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cát xây dựng (cát trắng, cát vàng) có giá 245.000 đồng/m3.

Sở Công Thương nhận định, giá cát bán tại các doanh nghiệp không tăng so với trước. Giá bán tại bãi dao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng tuỳ theo chất lượng cát là phù hợp với thực tế. Việc tăng giá cát như dư luận phản ánh thời gian qua là do tăng thuế VAT, chi phí vận chuyển tuỳ theo cự ly, khoảng cách, thông qua các đại lý mua bán cát trên thị trường...

Như vậy đã rõ, không có chuyện khan hiếm cát xây dựng đã đẩy giá cát tăng như dư luận đồn thổi.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật của các ngành chức năng rất được dư luận hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Nhưng, ngành chức năng cũng cần lưu ý đến vấn đề mà dư luận quan tâm, đó là có hay không việc doanh nghiệp khai thác cát, đại lý mua bán cát… “ghim hàng” để đẩy giá tăng, qua đó có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời để giá cát xây dựng trên thị trường phù hợp, sát với thực tế.

VLXD.org (TH/ Báo Tây Ninh)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.