Theo giới quan sát, quy mô phát hành trái phiếu của ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng có sự sụt giảm mạnh. Trong khi đó, Bất động sản tiếp tục là một trong hai ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất.
Theo các thống kê từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2023 vào khoảng 57.000 tỉ đồng, đã trừ các khoản mua lại, trong đó bất động sản chiếm khoảng 47%. Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 297.000 tỉ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn.
Các chuyên gia phân tích đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu sôi động trở lại trong quý III/2023 cùng với hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ HNX đi vào hoạt động. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, ghi nhận giá trị phát hành đạt 214.000 tỉ đồng, trong đó, 192.000 tỉ đồng phát hành riêng lẻ và 22.000 tỉ đồng phát hành qua kênh chào bán công chúng.
Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo ngành.
Ngân hàng và Bất động sản tiếp tục là hai ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. Sự thay đổi nhiều nhất đến từ ngành xây dựng và vật liệu. Năm 2022, nhóm này phát hành tới 22.509 tỉ đồng trái phiếu, trong khi 10 tháng năm nay chỉ còn 110 tỉ đồng.
Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời quan qua cơ quan chức năng đã chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát chấn chỉnh và xử lý vi phạm. Công tác truyền thông cũng được tăng cường để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.
VLXD.org (TH/ Lao động)
Ý kiến của bạn