Kinh doanh - Đầu tư

Những lý do có thể khiến cổ phiếu thép bùng nổ

16/12/2021 - 01:02 CH

Đà tăng trưởng bứt phá trong một phiên đã giúp nhà đầu tư "bắt đáy" thép một tuần trước đã có thể thở phào nhẹ nhõm, dù chưa có lãi nhưng ít ra cũng tạm thời hoà vốn...

Diễn biến cổ phiếu nhóm kim loại thép.

Cổ phiếu thép phiên giao dịch ngày 14/12 gây bất ngờ với nhà đầu tư khi hàng loạt mã tăng hết biên độ như HSG, NKG, POM. Các mã còn lại như HPG, TLH, VIS, TVN cũng tăng "điên đảo" khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng. Trước đó, nhóm này đã có một khoảng thời gian khá dài giao dịch không vui chút nào khi quay đầu giảm la liệt trước những thông tin tiêu cực kiểu như giá thép thế giới và trong nước quay đầu giảm, lợi nhuận doanh nghiệp thép dự báo sẽ giảm nhẹ sau một năm phá đỉnh lịch sử...

Tính đến đầu phiên giao dịch hôm nay, NKG tăng gần 7%, HSG tăng 6,97%; HPG tăng 3,44%; POM tăng 6,69%;TLH tăng 4,65%... Đà tăng trưởng bứt phá trong một phiên đã giúp nhà đầu tư "bắt đáy" thép một tuần trước đã có thể thở phào nhẹ nhõm, dù chưa có lãi nhưng ít ra cũng tạm thời hoà vốn.

Theo tìm hiểu, có ít nhất 5 lý do khiến cổ phiếu thép tạm bùng nổ phiên hôm nay.

Thứ nhất, về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép tháng 11, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa ra báo cáo thị trường tháng 11. Theo đó, trong tháng 11, tình hình sản xuất thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2020. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11/2021 đạt 1.087.435 tấn, tăng 2,71% so với tháng 10/2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép xây dựng đạt 11.352.150 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2020.

Về bán hàng, bán hàng thép tháng 11 đạt 872.846 tấn, giảm 26,11% so với tháng trước và giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 11 tháng bán hàng đạt 10.883.152 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 

Bán hàng thép tuy giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ song điểm tích cực vẫn đến từ thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Xuất khẩu thép xây dựng 11 tháng 2021 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu như chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than Coke và phế vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Đối với thép cuộn cán nóng, tháng 11/2021, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 623.536 tấn tăng 0,76% so với tháng 10/2021 và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2020; Bán hàng đạt 586.081 tấn, tăng 5,07% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ 2020.

11 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 6.559.037 tấn, tăng 68,2% so với cùng kỳ; Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 6.524.514 tấn, tăng 75,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 1.204.400 tấn, tăng 84% so với cùng kỳ 2020.

Với mặt hàng thép cuộn cán nguội - CRC, tăng trưởng vẫn rất tốt. Tháng 11/2021, sản xuất thép cán nguội trong nước của các thành viên VSA đạt 392.747 tấn, giảm 7,44% so với tháng 10/2021, và giảm 5,2% so với cùng kỳ 2020; Bán hàng đạt 174.667 tấn, tăng 2.05% so với tháng trước nhưng giảm 16,7% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu đạt 50.109 tấn, giảm 21,78% so với tháng trước nhưng tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm sản lượng sản xuất – bán hàng thép cuộn cán nguội vẫn đạt kết quả tích cực, cụ thể, sản xuất cuộn cán nguội đạt 4.794.063 tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2020; Bán hàng cuộn cán nguội đạt 2.124.624 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt 591.443 tấn, tăng 42,5% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt, xuất khẩu tôn mạ và kim loại màu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 11 tháng đầu năm 2021, sản xuất tôn mạ KL & SPM của các thành viên VSA đạt 5.431.984 tấn, tăng 37,1% so với cùng kỳ 2020; bán hàng đạt 4.892.699 tấn, tăng 37,9% so với mức cùng kỳ 2020 trong đó xuất khẩu đạt 3.101.216 tấn, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Tôn mạ kim loại & SPM là một trong những ngành hàng duy trì được lượng xuất khẩu khá tốt, dẫn đến tổng lượng bán hàng tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020.
 

Hiệp hội Thép dự kiến tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8 - 10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021. Bên cạnh đó, VSA cũng nêu một số giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu năm 2022 như: Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài; Cơ quan Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, kỳ cơ cấu ETF sắp tới cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường. SSI Research vừa có dự báo kết quả thay đổi danh mục ETF Quý 4/2021. Theo công ty chứng khoán này, MVIS đã công bố kết quả danh mục các chỉ số mới, danh mục mới sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12, do đó các quỹ ETF liên quan sẽ cần hoàn thành tái cơ cấu danh mục vào ngày thứ 6 (17/12) tới đây.

Danh mục MVIS Vietnam Index sẽ bao gồm 50 cổ phiếu, trong đó có 36 cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam và 14 cổ phiếu nước ngoài có liên quan. Tổng giá trị tài sản của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF tại ngày 10/12 đạt 580 triệu USD. Bên cạnh các cổ phiếu được thêm mới, quỹ sẽ tăng sở hữu VHM, HPG, VND, DGC, SHS. Trong đó, riêng HPG sẽ được mua vào thêm 1,7 triệu cổ phiếu, nâng tỷ trọng lên đến 5,77%, trước đó là 5,17%. HPG hiện cũng là 1 trong 5 cổ phiếu Việt Nam có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục quỹ ngoại này mua nắm giữ.
 

Thứ ba, trong báo cáo vừa công bố về ngành thép, Chứng khoán VnDirect cho rằng, mặc dù giá thép giảm song theo VnDirect nhu cầu cao hơn sẽ bù đắp cho giá bán đầu ra giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam đạt lần lượt 1,6 triệu-2,8 triệu tấn trong 10 tháng năm 2021, tăng 37% -112% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý vào ngày 15/11, gói đầu tư 1.200 tỷ USD giành cho cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ kể từ Đạo luật Đường cao tốc Viện trợ Liên bang năm 1956.

Trong đó, các dự án có nhu cầu huy động thép bao gồm 110 tỷ USD giành cho đường các dự án giao thông trọng điểm, 66 tỷ USD giành cho đường sắt, 39 tỷ USD giành cho phương tiện công cộng và 7,5 tỷ USD giành cho xe điện. Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ ước tính cứ 100 tỷ USD đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng thì sẽ làm tăng nhu cầu thép trong nước lên 5 triệu tấn.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông báo khởi động kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.350 tỷ USD vào đầu tháng 8. Gói đầu tư này sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế với trọng tâm là mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và sử dụng nhiên liệu sạch hơn.

VnDirect tin rằng nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ Quý 1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Công ty chứng khoán này còn cho rằng việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10-15% so với cùng kỳ vào năm 2022. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ vào năm 2022 từ mức cao là 39% so với cùng kỳ trong năm nay.
 

Thứ tư, dù chưa chính thức họp thông qua song thông tin về gói hỗ trợ kinh tế 35 tỷ USD cũng kích thích tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng về đầu tư công và nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ là những nhóm có thể hưởng lợi trực tiếp từ gói kích cầu, dù khó có thể có sóng tăng bằng lần như giai đoạn trước đó. Về định giá, chứng khoán hiện nay vẫn ở mặt bằng định giá chưa cao, ngoài trừ nhóm cổ phiếu nhỏ, P/E của VNSML trên HOSE có định giá cao gấp rưỡi lịch sử 10 năm của nó; HNX có P/E cao gấp hơn 2 lần lịch sử 10 năm. Do đó, tác động sẽ vẫn tích cực đến bối cảnh chung của thị trường, đặc biệt là nhóm các cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, triển vọng kinh doanh tốt mà giá chưa lên

Cuối cùng, cổ phiếu nhóm thép về mặt kỳ thuật được cho là đã tạo đáy, phù hợp để mua vào cả trung lẫn dài hạn. Trong khi đó, nền tảng cơ bản doanh nghiệp vẫn được duy trì khá tốt so với hầu hết các nhóm ngành khác. Với HPG, Mirae Asset dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt kỷ lục, tương ứng 36.721 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ. Dự phóng biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt đạt 26,8% và 20,6% tăng 21% và 15% năm 2020 so với năm 2020.

MAS dự phóng sản lượng của tôn mạ và ống thép trong năm 2021 lần lượt đạt 995,400 tấn tăng 70% và 184,306 tấn tăng 30% so với cùng kỳ. Dự phóng doanh thu năm 2021 đạt 27,963 tỷ tăng 141% đồng thời lợi nhuận ròng cả năm đạt mức kỷ lục là 2,536 tỷ đồng tăng 759%.

Tóm lại, hầu hết các công ty chứng khoán đều đánh giá cổ phiếu nhóm thép đã chiết khấu về mức hấp dẫn để mua vào với tiềm năng tăng giá trung bình 15 - 22%.
 
VLXD.org (TH/ VnEconomy)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.