Kinh doanh - Đầu tư

Nhiều địa phương chậm trễ trong việc công bố giá vật liệu xây dựng

23/12/2022 - 04:15 CH

Mặc dù Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương chủ động cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, song đến nay, việc công bố chỉ số giá vật liệu xây dựng của nhiều địa phương vẫn chậm so với quy định.

Năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt. Theo đó, giá nguyên vật liệu tăng cao đang là một vấn đề lớn trên thị trường, nhất là đối với nhà thầu thi công.

Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong quý 1/2022, các vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát xây dựng đã có sự tăng giá mạnh so với thời điểm cuối năm 2021.

Tính đến hết năm 2022, mới chỉ có 50 địa phương đã thực hiện công bố giá vật liệu hàng tháng, 13 địa phương thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý

Để hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng, cũng như hạn chế nguy cơ trục lợi, đầu cơ, nâng giá, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều địa phương chậm trễ trong việc công bố giá vật liệu xây dựng. Ngoài ra, việc công bố chưa bám sát với thực tế cung cầu của thị trường, đây là lỗ hổng để nhiều đơn vị cung ứng lợi dụng đầu cơ, tăng giá để trục lợi.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều tỉnh thực hiện công bố chỉ số giá đến quý 1/2022, 20/63 tỉnh công bố chỉ số giá xây dựng quý 2/2022, có 16/63 tỉnh công bố chỉ số giá xây dựng quý 3/2022. Về công bố giá nhân công, máy thi công hiện có 60 tỉnh công bố đơn giá nhân công cho năm 2021 theo cơ cấu nhóm nhân công mới quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD; 3 tỉnh gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng công bố đơn giá nhân công năm 2020 và có hướng dẫn chuyển đổi xác định đơn giá nhân công.

Tính đến hết năm 2022, mới chỉ có 50 địa phương đã thực hiện công bố giá vật liệu hàng tháng, 13 địa phương thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng ghi nhận nhiều danh mục công bố của địa phương còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu. Bộ cho rằng, nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây vướng mắc cho việc lập, quản lý chi phí đầu tư, hợp đồng xây dựng của các bên liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Do vậy, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng thị trường; nâng cao công tác dự báo về khả năng cung, cầu, nhất là với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, khắc phục việc thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Với các loại vật liệu có biến động nhiều, Bộ Xây dựng cho rằng việc công bố hàng tháng là cần thiết.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng, cần tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước.

VLXD.org (TH/ CafeLand)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.