Kinh doanh - Đầu tư

Nhà máy Xi măng Xuân Sơn dự kiến vận hành vào năm 2024

08/02/2023 - 08:41 SA


Dự án xây dựng nhà máy Xi măng Xuân Sơn công suất 2,3 triệu tấn/năm với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm làm chủ đầu tư dự kiến vận hành vào năm 2024.

 
>> Dự án Cảng Vicem Đông Hồi vẫn chưa được triển khai sau 11 năm
>> Các dự án xi măng trên toàn cầu: Mở rộng công suất xi măng đến năm 2025
>> Đề xuất điều chỉnh công suất dự án nhà máy Xi măng Chinfon

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà máy Xi măng Xuân Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm làm chủ đầu tư.
 

Dự án xây dựng nhà máy Xi măng Xuân Sơn công suất 2,3 triệu tấn/năm với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng dự kiến vận hành vào năm 2024

Được biết, dự án nhà máy Xi măng Xuân Sơn được đầu tư với quy mô xây dựng 1 dây chuyền sản xuất xi măng công suất 2,3 triệu tấn/năm tại 2 xã Ngọc Lương, Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhà máy Xi măng Xuân Sơn có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng với tổng diện tích gần 40 ha. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công nhà máy.

Hiện Tập đoàn Xuân Khiêm đang tập trung thi công các hạng mục chính của dự án và chuẩn bị lắp đặt thiết bị dây chuyền với công nghệ hiện đại… Giá trị đầu tư tính đến nay khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án cũng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục theo các hợp đồng tiến độ thiết bị với các nhà thầu quốc tế. Dự kiến, nhà máy xi măng Xuân Sơn sẽ hoàn thành đầu tư để đưa vào vận hành trong năm 2024.

Theo tìm hiểu, Tập Đoàn Xuân Khiêm được thành lập năm 2009, đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Phố Khánh Tân, phường Ninh Khánh, Thành phố Ninh Bình, Tỉnh Ninh Bình. Ngành nghề hoạt động chính của Công ty là Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, tư vấn, khai thác phụ gia xi măng.

Trên thực tế, ngành xi măng đang tiếp tục dư cung ở quy mô lớn hơn, khi từ năm 2019 đến nay không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2023, nguồn cung lại được bổ sung khi sẽ có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động như Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn (2,5 triệu tấn); Dây chuyền 3 - Xi măng Xuân Thành (4,5 triệu tấn); Xi măng Đại Dương (2,5 triệu tấn); Xi măng Long Thành (2,5 triệu tấn) đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, với quy mô công suất lớn như hiện tại, thị trường nội địa có hạn, các doanh nghiệp xi măng vẫn phải tập trung khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới.
 
VLXD.org (TH/cafeland)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.