Kinh doanh - Đầu tư

Gạch ốp lát Ấn Độ đổ bộ, doanh nghiệp Việt âu lo

09/05/2023 - 12:21 CH

Ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do hàng Ấn Độ chất lượng không ổn định, giá rẻ tràn vào. Nỗi lo thị trường rơi vào tay những nhà nhập khẩu từ Ấn Độ lớn hơn bao giờ hết, đẩy nhiều DN nội vào thế khó.
>> Thị trường gạch ốp lát trong nước tăng trưởng chậm
>> Gạch ốp lát giá rẻ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng
>> Tìm hiểu về các loại gạch ốp lát


Gạch ốp lát Ấn Độ gia tăng hiện diện ở Việt Nam

Hàng Ấn Độ tràn vào

Từ năm 2022 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Hùng, điều hành hệ thống cửa hàng vật liệu xây dựng ở Xuân Thành, Thanh Hóa, mệt mỏi vì phải nhận nhiều lời quảng cáo về gạch ốp lát Ấn Độ. “Từ cuối 2022 đến nay tôi phải để chế độ spam hết những lời quảng cáo này vì quá nhiễu thông tin và mệt mỏi”, ông Hùng nói với PV. Theo ông Hùng, trước đây gạch Ấn Độ chỉ được bán ở một số showroom lớn, các thành phố lớn thì đến nay đã xâm nhập vào tận các showroom nhỏ lẻ ở tuyến huyện.

Gạch ốp lát Ấn Độ gia tăng hiện diện ở Việt Nam

“Trước đây, chỉ đơn vị lớn mới nhập khẩu gạch Ấn Độ. Nhưng sau Covid-19, một số DN chỉ làm công tác xuất nhập khẩu cũng đi tìm kiếm khách hàng. Tôi liên tục được nhận các cú điện thoại, quảng cáo trên facebook, Internet, thậm chí họ tiếp cận trực tiếp để chào mời cơ hội hợp tác, sản phẩm dịch vụ nhập khẩu của họ. Nếu đồng ý, tôi chỉ việc chọn mẫu, nhà máy, giá cả,... còn lại các thủ tục khác họ làm hết. Việc nhập khẩu gạch quá thuận lợi”, ông Hùng giãi bày và cho rằng đó là lý do khiến gạch Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong 2 năm qua.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng ở Yên Bái cũng cho hay: "Một số đơn vị mời nhưng tôi vẫn phân vân nên chưa đồng ý nhập. Giá chào của họ cũng cao hơn hàng trong nước".

“Cùng kích thước 60x60 hoặc 80x80, giá gạch trong nước lần lượt là 130.000 đồng/m và 150.000-170.000 đồng/m. Còn hàng Ấn Độ thì họ chào giá hơn 200.000 đồng/m”, vị này cho biết. Qua những lần tiếp xúc với những lời mời chào, ông Nguyễn Ngọc Hùng thấy rằng hàng Ấn Độ đang “loạn giá” ở Việt Nam.

“Khách hàng cũng thấy bất an về giá. Cùng một kích thước, màu sắc về xương, men nhưng nhiều đơn vị bán giá khác nhau. Ví dụ gạch 1,2mx1,2m men bóng, sơn granite, có đơn vị bán lẻ ra là 350 nghìn, nhưng có đơn vị bán 450 nghìn, có đơn vị bán 550 nghìn, có đơn vị bán 650-750 nghìn. Đánh giá bằng mắt thường thì cơ bản giống nhau, tất nhiên giá khác nhau thì phải phân tích chất lượng men, bề mặt, thương hiệu, làm giá thành khác nhau. Nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được, không biết chọn thế nào cho đúng”, ông Hùng bộc bạch và cho rằng hàng Ấn Độ đang đánh vào tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận khách hàng.

Người dùng cũng lạc vào “ma trận” gạch Ấn Độ khi không thể biết sản phẩm thuộc hàng thấp cấp, trung cấp hay cao cấp. Đó là những thông tin rất khó kiểm chứng.

“Phần lớn khách hàng chỉ có thể tiếp nhận thông tin từ người bán hàng, nên rủi ro rất nhiều”, ông Hùng khuyến cáo. Trong khi với hàng trong nước, ông sẵn sàng đưa khách lên tận nhà máy để tham quan, kiểm chứng sản phẩm.

Nhiều chủ cửa hàng nhận định: Chất lượng gạch Ấn Độ không đồng đều. Các cửa hàng nhỏ lẻ tự nhập khẩu qua các hãng logistics nên chất lượng dở khóc, dở cười mà không tìm được người giải quyết.

Nỗi lo mất thị trường trong nước

Ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO), thừa nhận với PV. VietNamNet rằng ông đang cảm nhận được sức ép rất lớn từ gạch ốp lát Ấn Độ.

“Mọi nơi, mọi ngõ ngách đều có hàng Ấn Độ. Họ cử người đi bán rong, mời chào từng cửa hàng. Ngày xưa nói giá hàng Trung Quốc đã sợ rồi, nay hàng Ấn Độ nhiều chủng loại còn rẻ hơn”, ông lo ngại. “Năm ngoái gạch ốp lát Ấn Độ nhập vào Việt Nam tăng 240%, dự kiến năm nay tăng vài lần”, ông Đại ước tính.

Giải thích nguyên nhân hàng Ấn Độ vươn lên, ông Đại nói: Trước đây hàng Trung Quốc chiếm 50% thị phần toàn cầu. Nhưng khi gặp rào cản thương mại từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông,... thì thị phần giảm còn 25%. Nắm được thời cơ này, Ấn Độ gia tăng đầu tư. Họ có khoảng 2.800 nhà máy gạch ốp lát, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 80 nhà máy.

“Hàng Ấn Độ chất lượng không ổn định, nhưng với giá rẻ nên chiếm thị phần khắp các nước, tăng trưởng nhanh và sốc. Do đó, một loạt quốc gia đã tiến hành điều tra, thiết lập rào cản”, ông Đại kể.

Điển hình như 8 nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, UAE,... đã áp thuế phòng vệ thương mại với hàng Ấn Độ. Châu Âu cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá gạch ốp lát Ấn Độ, dự kiến sẽ áp thuế trong năm 2023. Indonesia áp thuế phòng vệ thương mại với gạch ốp lát các nước, trong đó có Ấn Độ, để bảo vệ ngành gốm sứ.

“Chúng tôi đánh giá việc hàng Ấn Độ vào Việt Nam có  một số dấu hiệu cạnh tranh không công bằng. Ở Ấn Độ, có nhiều nhà máy nhỏ, manh mún, công nghệ trung bình, số ít công nghệ cao, dựa vào nhân công lao động rẻ, điều kiện về an toàn môi trường lỏng lẻo nên sản phẩm có giá thành thấp. Trong khi DN trong nước phải đầu tư mạnh để đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới, nên giá thành không thấp được như vậy”, lãnh đạo AMY GRUPO chia sẻ

Việc thuế nhập khẩu gạch ốp lát Ấn Độ, theo Hiệp định ASEAN - Ấn Độ chỉ là 5% cũng là lý do khiến hàng Ấn Độ có giá cạnh tranh tràn vào Việt Nam.

“Ngành xây dựng đang khó khăn nên tổng cầu từ năm 2022 đến nay bị tổn thương. Cộng với sự xâm lấn của hàng Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chạy 50% công suất”, ông Đại lo lắng.

Nếu không có giải pháp ứng phó, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lo ngại thị trường trong nước sẽ rơi vào Ấn Độ và Trung Quốc. Còn DN trong nước sẽ lâm cảnh thua lỗ, ngừng hoạt động. Ngành gạch ốp lát Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới, đây là một lợi thế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc để một ngành có vị thế như vậy bị tổn thương sẽ rất đáng tiếc khi Việt Nam đang cần nhiều ngành nghề có chỗ đứng trên thế giới.

VLXD.org (TH/ vietnamnet)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.