Theo số liệu từ Báo cáo ngành Xi măng, lượng
tiêu thụ xi măng nội địa trong tháng 7 tháng qua ở mức 31,7 triệu tấn, giảm 4% so với mức nền thấp kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Cho thấy, khó khăn của
ngành Xi măng vẫn tiếp tục kéo dài từ năm ngoái đến nay trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Chỉ tính riêng tháng 7/2024, tiêu thụ xi măng trong nước ước đạt 4,65 triệu tấn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, giảm nhẹ so với tháng trước.
Trao đổi với PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại, đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn. Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại nhu cầu sử dụng xi măng rất cao nhưng năm nay thì trái lại, khiến nguồn cung tiếp tục dư thừa. Điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải tìm đến thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xuất khẩu, xi măng Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Tại các thị trường này, xi măng cũng đang trong tình trạng dư cung nên bản thân các nước này cũng có nhu cầu xuất khẩu trong khi đó nếu so sánh Việt Nam xuất khẩu bị áp thuế 10% trong khi các nước khác không phải chịu thuế. Chưa kể, các nhà máy trong nước đang phải chịu sức ép về môi trường, yêu cầu phải đầu tư thêm thiết bị công nghệ khiến chi phí sản xuất tăng.
Bên cạnh đó, xi măng xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá. Theo cho biết từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 12/8 cục đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Lượng
xi măng và clinker xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay gần như tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 18,4 triệu tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 7, lượng hàng xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn giảm 10% so với cùng kỳ. Giá xi măng - clinker xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 7, ở mức 38,8 USD/tấn, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.