Sàn giao dịch các thiết bị vật tư

Xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật an toàn trong sử dụng cốp pha trượt

05/04/2017 - 04:02 CH

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống cốp pha trượt. Đây là căn cứ để các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn áp dụng trực tiếp hoặc xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết cho từng dạng, loại cốp pha trượt dùng để thi công xây dựng công trình.
Theo dự thảo, quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn này áp dụng để kiểm định kỹ thuật an toàn sau lắp đặt tại hiện trường và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với hệ thống thiết bị cốp pha trượt được sử dụng để thi công theo chiều thẳng đứng các công trình bê tông như quy định trong TCVN 9342:2012 bao gồm: silô, ống khói, lồng cầu thang, bể, thùng chứa, đài nước, tháp truyền hình, vách, tấm tường bê tông cốt thép toàn khối có chiều dày thành không thay đổi hoặc thay đổi theo hình côn. Cốp pha trượt thuộc danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Xây dựng quản lý.

Các bước kiểm định phải lần lượt tiến hành theo các bước như: kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị; kiểm tra bên ngoài; kiểm tra kỹ thuật - thử không tải; kiểm tra kỹ thuật - thử có tải; xử lý kết quả kiểm định. Trong đó, hai bước là kiểm tra bên ngoài và kiểm tra kỹ thuật - chạy thử hệ thống là quan trọng nhất.

Đối với bước kiểm tra bên ngoài của hệ thống thiết bị cốp pha trượt chỉ được tiến hành sau khi việc lắp đặt chúng đã hoàn tất và có biên bản nghiệm thu hoàn thành công việc lắp đặt. Việc lắp đặt hệ thống thiết bị cốp pha trượt chỉ được tiến hành sau khi kết thúc toàn bộ công việc đổ bê tông đến cao trình thi công bằng cốp pha trượt. Lớp bê tông đầu tiên cao từ 10cm đến 15cm của phần thi công bằng cốp pha trượt nên thi công cùng với phần bê tông đổ trước khi trượt.
 

Căn cứ xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết cho từng dạng, loại cốp pha trượt

Khi tiến hành kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị thì vị trí lắp đặt, các kích thước an toàn, lối đi, cầu thang, chiếu sáng, các cảnh báo bằng âm thanh, ánh sáng hoặc biển báo… phải đáp ứng Điều 9.2 của TCVN 9342:2012 hoặc hồ sơ thiết kế thi công lắp đặt hệ thống thiết bị đã được phê duyệt.

Kiểm tra tính đầy đủ, đồng bộ và sự phù hợp của các bộ phận, cụm máy, chi tiết và thông số kỹ thuật trên nhãn mác của thiết bị phải phù hợp với hồ sơ, lý lịch và cần đặc biệt chú ý kiểm tra tình trạng kỹ thuật an toàn của các chi tiết, bộ phận như kết cấu kim loại của giá nâng, vành gông trên, vành gông dưới, sàn công tác, giàn giáo treo, kết cấu kim loại của thiết bị vận chuyển vật liệu theo phương đứng (nếu được trang bị). Các mối ghép bu lông của các liên kết kiểm tra bằng quan sát việc lắp ghép các cụm chi tiết đúng với hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của nhà chế tạo. Kiểm tra các liên kết hàn bằng quan sát phát hiện các hư hỏng khuyết tật bên ngoài. Thiết bị vận chuyển theo phương đứng cần có đầy đủ các bộ phận đảm bảo an toàn đáng tin cậy như giới hạn tải trọng nâng, giới hạn hành trình, phanh hãm bảo hiểm, tín hiệu cảnh báo khi làm việc và các thiết bị an toàn cơ và điện khác. Cáp điện, tủ điện điều khiển kiểm tra dây cáp điện động lực phải theo đúng chủng loại của nhà chế tạo, đầu nối trong tủ điện điều khiển phải được bắt chặt và đảm bảo các quy định về an toàn điện.

Hệ thống thủy lực sẽ kiểm tra sự xiết chặt của các bu lông, kiểm tra việc lắp đặt các cụm van, đường ống dẫn, trạm bơm dầu, các đồng hồ chỉ báo, bộ điều chỉnh áp lực dầu, các đầu nối… Đối với các thiết bị đấu nối phải kiểm tra phát hiện việc rò rỉ dầu thủy lực của toàn bộ các chi tiết đấu nối. Tình trạng của hệ dây dẫn xuống của thiết bị chống sét phải được thông suốt. Kiểm tra việc lắp đặt đầy đủ và đúng cách của hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng so với thiết kế…

Khi tiến hành thử nghiệm, các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn cần phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện thử nghiệm phù hợp như: Xây dựng và thống nhất thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với cơ sở trước khi thử nghiệm. Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình thử nghiệm. Kiểm tra sự thông suốt và đo điện trở của hệ thống tiếp địa, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đèn chiếu sáng. Chạy thử để kiểm tra sự vận hành không tải của hệ thống thủy lực khi chưa cắm các ty kích. Đầu tiên cho bơm dầu làm việc để xả khí, sau đó tăng áp lực dầu lên tới 1200 N/cm2 để nâng hạ toàn bộ hệ thống các kích nâng. Tiến hành kiểm tra toàn diện các đầu nối của các đường ống về sự rò rỉ của dầu, kiểm tra sự duỗi ra và co lại hết hành trình của kích, kiểm tra sự vận hành bình thường của trạm bơm, van điều khiển, của các đồng hồ chỉ báo, van khóa...

Việc chạy thử hệ thống cốp pha trượt được thực hiện với điều kiện là trên toàn bộ các sàn công tác, giàn giáo treo được chất tải bằng 1,2 lần tải thiết kế (Tải do trọng lượng của người, vật liệu và các vật dụng phục vụ thi công được bố trí theo quy định trong thiết kế).

Đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết: Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống cốp pha trượt áp dụng để kiểm định kỹ thuật an toàn sau lắp đặt tại hiện trường và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với hệ thống thiết bị cốp pha trượt được sử dụng để thi công theo chiều thẳng đứng các công trình bê tông. Đây là căn cứ để các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn áp dụng trực tiếp hoặc xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết cho từng dạng, loại cốp pha trượt dùng để thi công một công trình cụ thể.

Theo Báo Xây dựng
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.