Phát triển vật liệu không nung

Đã có khung hành lang pháp lý để phát triển vật liệu xây dựng không nung

10/08/2022 - 02:47 CH

Thủ tướng Chính phủ cùng với Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản làm căn cứ pháp lý để các địa phương thực hiện các kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXKN). Việc sử dụng và phát triển VLXKN trong lĩnh vực xây dựng đang là xu thế của thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì hiện nay đã có khung hành lang pháp lý để các bộ, ngành địa phương thực hiện.
Định hướng phát triển VLXKN giai đoạn 2010 - 2020

Ở nước ta ngay từ năm 2010, chính phủ đã ra Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển VLXKN giai đoạn 2010 đến 2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể đặt ra trong giai đoạn này là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020.


Hàng năm cả nước sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải. Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Đến tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg. Kết quả sau 10 năm thực hiện việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta đã có nhiều chuyển biến. Tính đến năm 2020 cả nước có trên 1600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây).

Với sản lượng này, hàng năm Việt Nam tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m³ đất sét (tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than đá, và giảm lượng phát thải xấp xỉ 2,85 triệu tấn khí CO2. Đây là kết quả rất ấn tượng, góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và ngăn quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.

Để đạt được kết quả trên là sự là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Xây dựng và các địa phương trong việc triển khai, phổ biến và đưa ra các giải pháp để thực hiện.

Sự quyết tâm thực hiện đưa VLXKN phát triển được thể hiện ở việc ngày 16/4/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10 về việc tăng cường sử dụng VLXKN hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Bảy tháng sau, ngày 28/11/2012 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2012 (sau này được thay thế bằng Thông tư 13/2017) về việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Hai văn bản trên cùng với Quyết định số 567/QĐ-TTg là tiền đề và là hành lang pháp lý để Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của lò thủ công và các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu; xây dựng phương án phát triển VLXKN đáp ứng cho nhu cầu cung cấp vật liệu xây cho các công trình xây dựng.

Mục tiêu đến năm 2030 phải đạt 40 - 45% tỷ lệ sử dụng

Tiếp nối thành công và những kết quả bước đầu đạt được ngày 23/12/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến 2030. Trong giai đoạn này mục tiêu cụ thể đặt ra là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định.

Tại khoản 4, Điều 2 Quyết định số 2171 đã nêu rõ tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2025 như sau:

Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây như sau:

- TP. Hà Nội và TP.HCM: Sử dụng tối thiểu 90%.

- Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.

- Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Đối với các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.

Nhà nước khuyến khích sử dụng tối đa VLXKN vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu và định hướng phát triển VLXKN đã rõ ràng và có đủ hành lang pháp lý để thực hiện. Do đó, để ngành sản xuất VLXKN phát triển dần thay thế vật liệu nung truyền thống cần có sự chung tay vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

VLXD.org (TH/ PLO)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.