NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG

Nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm VLXD và nội thất tại vùng Tây Bắc

25/09/2020 - 08:06 SA

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất tại vùng Tây Bắc” được triển khai tại Lai Châu là Đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013 - 2020 được Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và Viện nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện. Đây là công nghệ đầu tiên trong cả nước dùng nguyên liệu phục vụ công trình xây dựng nhà ở và vật liệu nội thất; tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu sử dụng gố, giảm tình trạng phá rừng.

Mô hình nhà sàn truyền thống từ công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Đặt chân đến bản San Thàng 2, xã San Thàng (thành phố Lai Châu), chúng tôi thấy có mô hình nhà sàn khác biệt so với các ngôi nhà sàn truyền thống trên địa bàn tỉnh bởi nhà được làm hoàn toàn từ sản phẩm tre ép khối. Điểm nổi bật ngôi nhà là cột, sàn, mặt cầu thang, vách, lan can, các thanh đỡ mái, dầm, xà… đều được làm bằng vật liệu tre ép khối thay thế gỗ. Tuy nhiên, nguyên liệu này vẫn đảm bảo kết cấu xây dựng cũng như việc khắc họa tiết hoa văn trên gỗ - biểu tượng tượng trưng cho màu sắc núi rừng Tây Bắc.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh chủ hộ: Mô hình nhà sàn làm bằng chất liệu tre ép khối về ngoại hình không khác gì gỗ bình thường, về chất lượng qua theo dõi đến thời điểm này ngôi nhà vẫn bền chắc không có hiện tưởng hư hỏng.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, mô hình nhà sàn được Viện nghiên cứu công nghiệp rừng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu, UBND xã San Thàng (thành phố Lai Châu) mượn đất của gia đình ông Khánh với cam kết tự nguyện không tháo dỡ. Theo đó, mô hình có tổng diện tích sàn là 35m2, được xây dựng từ năm 2018 đến năm 2019 hoàn thành với tổng 50m3 gỗ được làm từ nguyên liệu tre ép khối. Đến nay, ngôi nhà sử dụng tốt không có hiện tượng mối mọt, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, không có tình trạng xuống cấp.

Anh Trần Văn Thành, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thường xuyên theo dõi mô hình chia sẻ: Từ khi thực hiện mô hình xây dựng nhà sàn bằng vật liệu tre ép khối thay thế gỗ đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Ngôi nhà có độ bền, độ cứng cao, chưa thấy hiện tượng nứt gỗ hay siêu vẹo.

Vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó nhu cầu làm nhà sàn của một số dân tộc rất lớn. Trong khi đó rừng tự nhiên không thể khai thác gỗ do Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng nên nguồn gỗ cung cấp cho thị trường giảm đáng kể. Mặt khác, ở Lai Châu có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nguồn nguyên liệu tre nhiều, đa dạng. Việc nghiên cứu tạo ra sản phẩm từ tre với mục đích thay thế gỗ rừng tự nhiên là rất cần thiết. Do vậy, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất tại vùng Tây Bắc” lấy Lai Châu làm địa điểm để nghiên cứu. Viện đã phối hợp nhà máy BWG Mai Châu (Sơn La) sản xuất và làm mô hình nhà sàn từ sản phẩm tre ép khối công nghiệp đặt tại xã San Thàng (thành phố Lai Châu). Ngôi nhà sàn truyền thống sử dụng vật liệu tre ép khối làm khung nhà, sàn nhà. Đề tài cung cấp toàn bộ nguyên liệu tre ép khối và hỗ trợ một phần nguyên vật liệu phụ để làm nhà. Sản phẩm tre ép khối có các đặc tính cơ lí tương đương loại gỗ nhóm III dùng trong xây dựng và giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn TCVN 1072:1971. Không chỉ vậy vật liệu tre ép khối có giá thành rẻ hơn so với gỗ.

Tiến sĩ Vũ Văn Cương – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Đề tài góp phần thúc đẩy việc phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nguyên liệu tre nhằm tạo được vật liệu mới phục vụ nhu cầu làm vật liệu xây dựng nhà ở truyền thống và nội thất. Kết quả nghiên cứu sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế rừng mới, đó là hoạt động chế biến sản phẩm từ rừng với việc sản xuất tre ép khối chất lượng cao thay thế gỗ rừng tự nhiên. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu tre, nứa sẵn có ở các huyện trong tỉnh như huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ. Đề tài góp phần mở ra hướng nghiên cứu mới về sử dụng tre thay thế các loại gỗ rừng tự nhiên khi ngày càng khan hiếm. Góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, bảo vệ môi trường.

Cây tre là nguồn tài nguyên tái sinh có thời gian sinh trưởng, thu hoạch ngắn; tính chất của cây tre có độ cứng, dẻo dai, bền bỉ. Do đó, nguyên liệu dùng cho mô hình được sử dụng bằng tre còn tươi rồi qua 10 công đoạn như: Sơ chế, xử lý, sấy nan, ngâm keo, sấy nan sau ngâm keo, ép nguội, sấy khuôn, tháo khuôn sẽ cho ra thành phẩm. Sản phẩm kết hợp với những kỹ thuật hiện đại sẽ có độ bền sinh học cao, phòng chống côn trùng, nấm gây hại; đạt cấp độ gỗ nhóm III, trong điều kiện nhiệt đới đạt tới 10-15 năm sử dụng. Đặc biệt rất an toàn sức khỏe cho con người, thân  thiện với môi trường tự nhiên.

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất tại vùng Tây Bắc” không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định từ việc trồng tre để chế biến ra các sản phẩm mà sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tre tạo vật liệu mới thân thiện với môi trường. Mong rằng, công nghệ sản xuất tre ép khối sẽ được nhân rộng để đẩy mạnh chế biến, biến cây tre thành các sản phẩm khác thay thế nhu cầu gỗ, mang lại lợi ích kinh tế trong cuộc sống hiện nay.

VLXD.org (TH/ CTT Lai Châu)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.