Siêu dự án khu liên hợp gang thép
và cảng nước sâu Sơn Dương, của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đang đi vào các công đoạn xây dựng cơ
bản. Giá trị của dự án gồm 2 giai đoạn với số vốn 20 tỷ USD do Formosa
Đài Loan đầu tư đang ngốn một lượng khổng lồ về vật liệu xây dựng
các loại. Hiện tại, giá cát ở các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình,
Hà Tĩnh, Nghệ An đã tăng vọt từ 40.000 đồng/m³, lên 350.000 đồng/m³ và
thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hàng.
Người dân xây dựng gặp nhiều khó khăn về tài chính khi chi phí mua cát quá cao.
Thị trường cát khan hiếm, giá tăng cao
Quảng Bình nổi tiếng với các cồn cát nắng chang chang. Một thời, tưởng
chừng thứ tài nguyên này không ai ngó ngàng tới, nhưng những năm gần
đây, cát được xem là thứ tài nguyên hái ra tiền khi siêu dự án Formosa ở
Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xây dựng cần một lượng cát khổng lồ để san lấp mặt
bằng, xây dựng đê biển, và 11 cầu tàu của cảng nước sâu Sơn Dương để
phục vụ năng lực bốc dỡ hàng hóa 30 triệu tấn mỗi năm của dự án sắt thép
ở đây. Dự án cũng tác động đến 2.350 hộ dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ
Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) khiến các khu tái định cư cũng được
xây dựng rất lớn, thu hút vào đó lượng lớn vật liệu xây dựng nhiều chưa từng thấy.
Quan sát của PV nhiều tháng qua cho thấy, từng dòng xe từ Quảng Trị,
Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đều nối đuôi nhau chở cát đến phục vụ siêu
dự án gang thép Formosa Hà Tĩnh và cảng nươc sâu Sơn Dương. Tại Quảng
Bình, giá cát 9 tháng trước chỉ 40.000 đồng/m³ sau đó tăng lên 100.000
đồng, rồi tăng tiếp 200.000 đồng và nay đã tăng vọt lên đến 350.000
đồng/m³ cát xây dựng. Cát đổ nền cũng tăng giá chóng mặt và vọt lên
300.000 đồng/m³.
Ngoài giá cát tăng chóng mặt thì vật liệu xây dựng khác như đá, sạn và gạch cũng nhích lên nhưng không đáng kể. Và các loại vật liệu này cũng được cung cấp cho dự án Formosa Hà Tĩnh.
Tiến độ nhiều công trình bị ảnh hưởng
Các nhà thầu xây dựng cho biết, thiếu thép, hoặc gạch, đá xây dựng
có thể điều động nơi khác đến dễ dàng do hệ thống đấu nối với các đại
lý rộng khắp cả nước và khu vực miền Trung, nhưng thiếu cát là vấn đề
trầm trọng. Bởi cát như xương sống kết dính cho đổ bê tông,
xây tường. Mặc dù hàng loạt mỏ cát được mở ra (trong đó có cả mỏ được
cấp phép đúng quy định và mỏ lậu) hoạt động hết công suất trên khu vực
lòng sông Rào Trổ (huyện Kỳ Anh), sông Rác (huyện Cẩm Xuyên), sông Ngàn
Sâu, Ngàn Phố (huyện Hương Sơn, Đức Thọ), sông La, sông Lam (huyện Đức
Thọ)… nhưng vẫn khan hiếm không đủ nguồn cát để cung ứng.
Một mặt có thêm mỏ cát mới, nhưng mặt khác, chính quyền các địa phương đang siết chặt các mỏ cát lậu
cũng khiến mặt hàng cát đang khan hiếm. Hàng loạt mỏ cát lậu ở khu vực
lòng sông Rào Trổ (Kỳ Anh) vừa bị tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, đình chỉ hoạt
động do không có giấy phép. Tại Quảng Bình, hàng chục mỏ cát lậu ở huyện
Quảng Trạch, Tuyên Hóa cũng bị cấm khai thác dẫn đến nguồn cát ra thị trường ngày càng nhỏ giọt và đẩy tình trạng thiếu cát đến mức nghiêm trọng hơn.
Một số nhà thầu nâng cấp quốc lộ 1A phản ánh, giá cát tăng chóng mặt
nhưng ngày càng khan hiếm dẫn đến ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ xây
dựng đường. Hiện tại, các công trình giao thông nông thôn, xây dựng dân
dụng đang gánh phần mua cát với giá cao và ảnh hưởng đến nguồn vốn của
người dân cũng như vốn làm đường ở nông thôn. Trong khi đó, mỗi ngày “cỗ
máy” Formosa Hà Tĩnh ngốn một khối lượng khổng lồ hơn 10.000m³ bê tông.
Để có 10.000m³ bê tông, dự án này cần hơn 6.000m³ cát xây dựng. Do khan
hiếm, nhiều công ty cung cấp cát phải cắt giảm lượng cát bán ra và có
khi chấp nhận bị phạt vì giao cát không đủ nhu cầu.
Cần một giải pháp "giảm nhiệt"
Trước vấn đề giá cả tăng cao và khan hiếm trầm trọng cát gây ảnh hưởng
trực tiếp đến tiến độ xây dựng siêu dự án Khu liên hợp gang thép và cảng
nước sâu Sơn Dương, Formosa Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi đến UBND tỉnh Hà
Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế tỉnh “cầu cứu” giúp đỡ quy hoạch tháo
gỡ vấn đề gián đoạn cát, khẩn cấp cung ứng nguồn cát đủ thích hợp ở địa
bàn Kỳ Anh và các vùng lân cận. Hiện phía UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở
TN-MT, Sở NN-PTNT, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh kiểm tra, rà soát các
điểm mỏ đã được cấp phép, đồng thời lập hồ sơ thăm dò, cấp phép mỏ khai
thác cát mới để đảm bảo nguồn cung cấp đủ cho Formosa Hà Tĩnh và các
công trình xây dựng cơ bản (trong đó có ưu tiên các công trình thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) trên địa bàn toàn
tỉnh.
Tại Quảng Bình, ông Trương An Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm người
phát ngôn UBND tỉnh cho biết, một mặt UBND tỉnh vừa chỉ đạo kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo không thẩm lậu nguồn tài nguyên cát trên
địa bàn, mặt khác, cũng chỉ đạo Sở TN-MT tham mưu đẩy mạnh việc cấp các
phép các mỏ cát đúng quy định, nhanh chóng tổ chức thăm dò và hoàn
thiện quy hoạch các mỏ để chọn điểm tổ chức đấu giá khai thác cát nhằm
cân bằng giá cát trở lại với giá trị thị trường, đáp ứng nhu cầu kịp
thời của việc xây dựng. Trước mắt tỉnh Quảng Bình đã cấp phép khai thác
cát với diện tích 2ha ở huyện Quảng Trạch.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, để làm giá cát giảm nhiệt và đáp ứng
nhu cầu thị trường, nhiều người xin giấy phép cũng mất 3 tháng mới có
một mỏ cát mới. Vì thế, tình hình giá cát và một số vật liệu xây dựng
khác hiện rất khó “giảm nhiệt”. Nhưng nếu không làm đúng trình tự thủ
tục, một lượng lớn tài nguyên cát sẽ bị khai thác bán vô tội vạ bằng
cách thẩm lậu mà nhà nước không thu được thuế.